Đại dương lâm nguy

.

Đầu tháng 7-2022, hội nghị của Liên Hợp Quốc (LHQ) về đại dương diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha) với chủ đề “Nhân rộng các hành động đại dương dựa trên khoa học và đổi mới nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 (SDG 14): Kinh nghiệm, Đối tác và Giải pháp”. Đây là lần thứ hai kể từ sau hội nghị đầu tiên tại New York (Mỹ) vào năm 2017, sức khỏe của đại dương là chủ đề trọng tâm tại một hội nghị của LHQ. Tại đây, cộng đồng quốc tế lần đầu tiên nhất trí nhìn nhận tình trạng “đại dương lâm nguy” và cam kết hành động khẩn cấp với tinh thần hợp tác đa phương mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về Khí hậu của LHQ (IPCC/ GIEC), đại dương hấp thụ hơn 90% “lượng nhiệt dư dôi” của hệ thống khí hậu, và có thể “thu nạp” thêm từ 2 đến 4 lần lượng nhiệt đã hấp thu trong giai đoạn từ năm 1970 đến nay, nếu nhiệt độ Trái đất nóng lên không quá 2°C. Còn theo kịch bản nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, đại dương sẽ hấp thu từ 5 đến 7 lần so với tổng nhiệt lượng trong giai đoạn 1970-2021.

IPCC/GIEC nhận định, việc hấp thu trực tiếp khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một chức năng quan trọng khác của Đại dương. Rõ ràng, không có Đại dương, khí hậu Trái đất sẽ nóng lên gấp bội so với hiện nay. Vấn đề đặt ra hiện nay là các đại dương có thể tiếp tục thực thi sứ mệnh “cỗ máy điều hòa nhiệt độ” Trái đất đến khi nào trước tác động của con người? Câu hỏi này luôn ám ảnh các nhà khoa học và các nhà bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh đại dương trên đà suy thoái nghiêm trọng bởi tác động của con người, trong đó nổi lên vài vấn đề sau đây:

Một là, rác thải nhựa. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2021, thế giới thải ra 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với số liệu vào năm 2000. Dù rác thải nhựa gia tăng song chỉ có 15% được thu gom để tái chế, nhưng chỉ có 9% được tái chế thực sự, 6% còn lại được xử lý làm chất cặn bã. Ước tính khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa trong đại dương và 109 triệu tấn khác tích tụ trong các dòng sông là “thủ phạm” gây ô nhiễm. Theo nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) được công bố vào năm 2021, 386/555 loài cá được kiểm tra nuốt rác thải nhựa. 

Hai là, lượng khí CO2. Hiệp hội Dự án Carbon toàn cầu (GCP) cho biết, lượng khí thải CO2 tăng 4,9% lên 36,4 tỷ tấn trong năm 2021, chỉ thấp hơn mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2019. Trong khi đó, lượng oxy trong Đại dương sụt giảm gần 2% mỗi thập niên, kể từ 1960. Cùng với tình trạng nước biển nóng lên, việc thiếu oxy trong đại dương khiến đa dạng sinh học trong lòng biển giảm sút nghiêm trọng và làm gia tăng các vùng “biển chết”.

Ba là, các hoạt động vì kinh tế và các lý do khác. Hoạt động ngày càng gia tăng của con người đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề, khiến các nguồn sinh vật biển như cá, rạn san hô… dần cạn kiệt. Trong đó, sự gia tăng dày đặc các tuyến vận tải biển, nạn bắt nạn đánh bắt hải sản thái quá và bất hợp pháp, khai thác dầu mỏ tràn lan đang tàn phá hệ sinh thái. Trong khi đó, việc nhiều nước bắt đầu đề ra kế hoạch khai thác đáy đại dương là chỉ dấu cho thấy mức độ tàn phá sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới.

Việc cộng đồng quốc tế lên tiếng cảnh báo “Đại dương lâm nguy” và nhất trí thông qua tuyên bố chung “Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta” tại Lisbon mang ý nghĩa biểu tượng hết sức quan trọng, qua đó tạo đà cho hàng loạt hội nghị quốc tế do LHQ chủ trì liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đại dương dự kiến được tổ chức từ nay đến cuối năm nay để bảo vệ đại dương xanh - hành tinh xanh.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.