Suy thoái kinh tế, an ninh lương thực và an ninh năng lượng sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Bali (Indonesia) vào ngày 7 và 8-7. Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi các nước G20 đồng lòng vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực đã và đang đe dọa khoảng 323 triệu người toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đối thoại với người đồng cấp Indonesia Joko Widodo trong cuộc gặp tại Điện Kremlin ở Moscow (Nga) ngày 30-6-2022. Ảnh: AFP |
Hiện, giá của gần như mọi hàng hóa lương thực, thực phẩm đều tăng vọt, tác động tiêu cực tới người nghèo, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói ăn. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, gồm biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine…
Nỗ lực của nước chủ nhà
Không lâu trước ngày khai mạc hội nghị nói trên, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia - nước chủ nhà G20 năm nay - đã công du tới nhiều nước châu Âu và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) để gặp các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và G20. Đặc biệt, ông Widodo đã đến Ukraine và Nga trong ngày 29 và 30-6, lần lượt đối thoại với hai nhà lãnh đạo Volodymyr Zelenskyy và Vladimir Putin.
Trong chuyến công du này, nhà lãnh đạo của nước chủ nhà G20 năm nay kêu gọi G7 và G20 chung sức vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực đáng quan ngại. Sau khi hoàn tất chuyến công tác đặc biệt vào cuối tháng trước, ông Widodo kỳ vọng sớm đạt tiến bộ trong nỗ lực tháo gỡ “nút thắt” liên quan các chuỗi cung ứng lương thực và phân bón toàn cầu. Trang Eurativ dẫn lời ông Widodo cho biết: “Tôi thực sự đánh giá cao Tổng thống Putin khi ông ấy hứa hẹn bảo đảm an ninh cho hoạt động cung ứng lương thực và phân bón từ Nga và Ukraine. Đây là tin tốt lành”.
Một trong các nhóm làm việc của nước chủ tịch G20 là Nhóm làm việc phụ trách về nông nghiệp (gọi tắt là “G20 AWG”). Ba vấn đề được ưu tiên thảo luận tại G20 AWG là: (1) xây dựng hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, linh hoạt; (2) thúc đẩy thương mại lương thực mở, công bằng, có thể dự đoán và minh bạch; và (3) khuyến khích hoạt động kinh doanh nông nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua công nghệ số ứng dụng trong nông nghiệp để cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.
Hãng tin Antara (Indonesia) dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Syahrul Yasin Limpo, nói rõ: “Chúng tôi hy vọng Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G20 nhất trí cam kết chung về bảo đảm sự cân bằng giữa nguồn cung trong nước và dòng chảy thông suốt của hoạt động thương mại giữa biên giới các nước để cung cấp đủ lương thực cho thế giới”.
Mỹ sẽ gây sức ép?
Trước thềm hội nghị cấp bộ trưởng G20 tuần này, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin riêng nhận định Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ kêu gọi các nước tham dự gia tăng sức ép với Nga để khai thông các tuyến đường biển huyết mạch giúp mở đường cho ngũ cốc từ Ukraine ra thế giới. Theo kế hoạch, ông Blinken sẽ dự họp tại Bali vào ngày 8-7. Chuyến công du này đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị kể từ tháng 10-2021. Song, theo kế hoạch được công bố, ông Blinken sẽ không có cuộc gặp nào với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Giới phân tích đã đoán trước những căng thẳng bao trùm hội nghị ở Bali lần này bởi gần như chắc chắn Washington và các đồng minh sẽ nêu ra những cáo buộc với Moscow, đổ lỗi cho Nga về tình trạng khan hiếm, thiếu hụt lương thực vì chiến dịch quân sự đặc biệt do nước này phát động tại Ukraine. Ở chiều ngược lại, Moscow chắc chắn bác bỏ mọi cáo buộc và lặp lại quan điểm nhất quán khi cho rằng, chính các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ lĩnh xướng áp lên Nga thời gian qua là nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng lương thực hiện nay.
Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ ông Ramin Toloui, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại cho biết, ông Blinken cũng sẽ nêu ra cả vấn đề về an ninh năng lượng và sáng kiến của Liên Hợp Quốc nhằm nối lại việc xuất khẩu các mặt hàng lương thực và phân bón của Nga và Ukraine - hai nhà xuất khẩu chủ lực các mặt hàng này. “Bất kể vấn đề này diễn ra ở cấp độ hội nghị Bộ trưởng G20 hay ở mức độ các nước riêng lẻ trong G20, đó vẫn là điểm quan trọng mà Ngoại trưởng Blinken đề cập”, ông Toloui nói.
LÂM PHONG