Kỳ vọng về một Nhật Bản hùng mạnh hơn

.

Chiến thắng áp đảo của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản kích hoạt “sự khởi đầu mới” cho Thủ tướng Kishida Fumio, qua đó tạo đà cho ông thúc đẩy chương trình nghị sự đầy tham vọng trong 3 năm tới; trong đó, đáng chú ý là mở rộng chi tiêu quốc phòng và sửa đổi Hiến pháp hòa bình - giấc mơ còn dang dở của cố Thủ tướng Abe Shinzo.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết thực thi chính sách khôi phục kinh tế, khởi động tiến trình sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết thực thi chính sách khôi phục kinh tế, khởi động tiến trình sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Reuters

Theo The Japan Times, trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào ngày 10-7, liên minh cầm quyền giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida Fumio và Đảng Công Minh (Komeito) giành thắng lợi lớn khi chiếm hơn 50% trong tổng số 125 ghế được bầu lại. Bên cạnh đó, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp cũng giành được thế đa số 2/3 tại Thượng viện, tạo cơ hội cho Thủ tướng Kishida khởi động tiến trình sửa đổi văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất này.

Chiến thắng không bất ngờ

Theo Kyodo, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chiếm khoảng 52,05%, tăng 3,2 điểm phần trăm so với cuộc bầu cử năm 2019. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành được 63 ghế, tăng 8 ghế so với trước bầu cử. Đây là kết quả tốt nhất mà LDP đạt được kể từ năm 2013, thời điểm ông Abe Shinzo  - “nhà môi giới quyền lực hàng đầu của LDP” - còn đang giữ chức Thủ tướng. Như vậy, cùng với 56 ghế chưa tới thời điểm bầu lại, LDP nắm trong tay tổng cộng 119 ghế tại Thượng viện. Song, thay vì không khí ăn mừng như thường thấy, trụ sở LDP lại ghi nhận sự trầm lặng sau vụ ám sát ông Abe vào ngày 8-7 ở thành phố Nara.

Trong khi đó, Đảng Công Minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền - giành được 13 ghế, giảm một ghế so với trước bầu cử. Cùng với 14 ghế chưa tới thời điểm bầu lại, Đảng Công Minh có tổng cộng 27 ghế tại Thượng viện. Với kết quả này, liên minh cầm quyền nắm tổng cộng 146 ghế, chiếm 58,87% ghế tại Thượng viện. Đây là chiến thắng thuyết phục song đã được dự báo từ trước.

The Japan Times dẫn lời Thủ tướng Kishida nói rõ: “Tôi sẽ quyết tâm đạt kết quả tích cực trên con đường xây dựng mô hình kinh tế theo hình thái mới của chủ nghĩa tư bản, với trọng tâm là phục hồi kinh tế”. Đồng thời, ông Kishida cam kết tiếp cận từng bước để thực thi hoạch định về ngoại giao, an ninh và sửa đổi Hiến pháp. Nhà lãnh đạo Nhật Bản có khả năng tiến hành cải tổ nội các vào tháng 9-2022.

Tiếp nối “di sản” của “người khổng lồ” Abe Shinzo?

Sau chiến thắng vang dội lần này, Thủ tướng Kishida sẽ củng cố quyền lực trong đảng cầm quyền, qua đó nâng cao vị thế của ông trước khi bước vào giai đoạn “3 năm vàng”- thời gian Nhật Bản không tổ chức thêm một cuộc bầu cử nào khác. Về kế hoạch việc sửa đổi Hiến pháp, ông Kishida hứa hẹn đưa ra dự luật liên quan đến vấn đề này để thảo luận tại Quốc hội.

Tổng Thư ký LDP Motegi Toshimitsu cũng cam kết liên minh cầm quyền sẽ tiếp nối “di sản” mà ông Abe để lại. Theo đó, LDP sẽ tập trung nâng cao năng lực quốc phòng và cải thiện triển vọng kinh tế dài hạn, với 2 trụ cột chính trong cương lĩnh của đảng: “Bảo vệ Nhật Bản” và “Kiến tạo tương lai”.

Theo giới quan sát, Thủ tướng Kishida sẽ tạo bước chuyển bất ngờ từ một người ôn hòa, nói “không” với vũ khí hạt nhân, đến người tiếp nối và mở rộng di sản chính trị của người tiền nhiệm Abe. Đáng chú ý, ông Kishida “bật đèn xanh” cho chi tiêu quốc phòng nhiều hơn, hướng đến mục tiêu chạm mốc 2% GDP vào cuối thập kỷ như ông Abe từng kỳ vọng, qua đó đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba, sau Mỹ và Trung Quốc.

Lâu nay, Tokyo vẫn hạn chế ngân sách quốc phòng chỉ khoảng 1% GDP, tương đương khoảng 5.000 tỷ yen. Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ở Thụy Điển, Trung Quốc hiện chi nhiều gấp 4 lần Nhật Bản cho quốc phòng.

Hãng Reuters dẫn lời một nghị sĩ LDP cho biết, ngân sách quốc phòng tiếp theo có thể lên tới 6.000 tỷ yên (45 tỷ USD), hoặc tăng 11% so với năm ngoái. Thủ tướng Kishida sẽ tiết lộ mức tăng chi tiêu cho quốc phòng vào cuối tháng 8-2022 và nội các sẽ chốt “con số cuối cùng” vào cuối năm nay. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng sẽ đề ra chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi và lộ trình mua sắm thiết bị quân sự mới kéo dài 5 năm vào cuối năm nay. “Thủ tướng Kishida có thể bảo đảm“ngai vàng” của mình bằng cách hiện thực hóa các mục tiêu của ông Abe”, quan chức này nhận định.

Trong khi đó, Christopher Johnstone, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết: “ Thủ tướng Kishida đang tạo ra làn sóng ủng hộ gần như chưa từng có ở Nhật Bản để tăng ngân sách quốc phòng. Có rất ít tranh cãi về những gì ông Kishida đề xuất”.

Trước giờ, cử tri nước này luôn cảnh giác với việc chi mạnh tay cho quốc phòng. Song, trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế ngày càng phức tạp, với tâm điểm là xung đột ở Ukraine, dường như công chúng sẽ ủng hộ tham vọng này của Chính phủ. Theo cuộc thăm dò gần đây của hãng Jiji Press, gần 2/3 người dân được hỏi đều ủng hộ việc nước này mua tên lửa có tầm bắn đủ lớn để ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.