Gói ngân sách khổng lồ chống lạm phát của Mỹ

.

Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn kế hoạch kinh tế chủ chốt trị giá 430 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp bỏ phiếu gay cấn vào đêm 7-8 (giờ địa phương). Kết quả này đánh dấu thắng lợi lớn của ông Biden trước khi diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ phấn khởi trước việc Thượng viện thông qua Đạo luật Giảm lạm phát vào ngày 7-8-2022.  Ảnh: China Daily
Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ phấn khởi trước việc Thượng viện thông qua Đạo luật Giảm lạm phát vào ngày 7-8-2022. Ảnh: China Daily

Dù còn phải qua khâu bỏ phiếu tại Hạ viện trước khi Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn nhưng rõ ràng các bước quy trình này mang tính thủ tục khi đảng Dân chủ hiện đang chiếm đa số tại Hạ viện ủng hộ mạnh mẽ dự luật này.

Kế hoạch táo bạo về chống biến đổi khí hậu

Theo hãng tin Reuters, tại Thượng viện, dự luật với trọng tâm về chống biến đổi khí hậu, thuế và y tế, với tên gọi chính thức Đạo luật Giảm lạm phát, được thông qua với tỷ lệ sát nút 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Cụ thể, dự luật gồm một trong những kế hoạch chống biến đổi khí hậu quan trọng nhất từ trước đến nay với 369 tỷ USD dành cho nỗ lực cải thiện khí hậu và phát triển năng lượng sạch. Theo đó, chính phủ kêu gọi hàng tỷ USD khuyến khích sản xuất xe điện, thúc đẩy năng lượng sạch và các thiết bị tiết kiệm năng lượng; đồng thời rót khoản đầu tư mới vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Dự luật cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục vị thế dẫn đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện, ca ngợi: “Thượng viện đang làm nên lịch sử. Dự luật này sẽ thay đổi nước Mỹ trong nhiều thập kỷ”. “Gói năng lượng sạch táo bạo nhất trong lịch sử nước Mỹ” nhằm ứng phó biến đổi khí hậu sẽ khởi động kỷ nguyên năng lượng sạch với giá cả phải chăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu về nhiên liệu hóa thạch bấp bênh. Công ty Rhodium Group ước tính, Mỹ có thể giảm 31-44% khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2030 so với mức của năm 2005.

Nỗi lo bao trùm các nhà sản xuất

Bên cạnh nguồn đầu tư khổng lồ về chống biến đổi khí hậu, dự luật cho phép cắt giảm chi phí thuốc kê đơn cho người cao tuổi, gia hạn khoản trợ cấp bảo hiểm y tế tư nhân cho hàng triệu người thêm 3 năm. Đáng chú ý, dự luật cho phép áp thuế suất tối thiểu 15% lên các công ty có lợi nhuận hằng năm trên 1 tỷ USD và loại thuế mới với thuế suất 1% đối với việc các công ty mua lại cổ phiếu. Qua đó, giúp chính phủ tăng 313 tỷ USD từ doanh thu thuế trong một thập kỷ.

Doanh nghiệp Mỹ và đảng Cộng hòa phản đối mạnh mẽ vì lo ngại việc này thu hẹp quy mô cắt giảm thuế, cản trở đầu tư và gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu. Theo ước tính, mỗi năm sẽ có khoảng 150 công ty chịu mức thuế trên. Tờ New York Times dẫn lời ông Chad Moutray, chuyên gia kinh tế trưởng Chad Moutray của Hiệp hội Quốc gia Các nhà sản xuất Mỹ cho biết: “Mức thuế này sẽ làm tổn hại hoạt động kinh tế của chúng tôi. Việc thuê thêm công nhân, tăng lương và đầu tư vào cộng đồng của chúng ta sẽ khó khăn hơn”. 

Đảng Cộng hòa chỉ trích việc tăng thuế là bằng chứng cho thấy ông Biden phá bỏ lời hứa lúc tranh cử và tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu. Đảng Dân chủ kỳ vọng, dự luật giúp giảm lạm phát là một trách nhiệm kinh tế cũng là áp lực lên hy vọng duy trì quyền kiểm soát ở Quốc hội của đảng này trong thời gian hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Ở chiều ngược lại, đảng Cộng hòa chỉ trích dự luật không thể “hãm phanh” lạm phát mà còn có thể làm suy yếu tăng trưởng khi nền kinh tế có nguy cơ suy thoái.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.