Thổ Nhĩ Kỳ với chính sách "không từ bỏ nước Nga"

.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ứng viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đến thành phố Sochi (Nga) vào ngày 5-8, kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, là sự kiện được dư luận hết sức quan tâm.

Cách đây hơn 2 tuần, ông Erdogan gặp ông Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Tehran (Iran) và nay tiến hành họp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga nhằm bàn sâu hơn nhiều vấn đề về quan hệ song phương cũng như cả khu vực và thế giới.

Giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều vấn đề liên quan, thậm chí là gai góc và đều gắn với lợi ích cả về kinh tế, chính trị, quân sự cũng như ảnh hưởng ở Trung Đông. Hai nước đều nhận thấy, một khi quan hệ này được cải thiện sẽ càng mang lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên, nhất là trong bối cảnh Nga đang chịu sức ép và các lệnh trừng phạt của phương Tây, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần có Nga để bảo đảm an ninh, cân bằng đối trọng với Mỹ và cải thiện kinh tế trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh Nga trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đầu tiên của nước này, với vốn đầu tư 20 tỷ USD, sẽ khánh thành vào năm 2023. Hai nước gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đặt mục tiêu cán cân thương mại đạt 100 tỷ USD trong thời gian đến…Đáng chú ý, Nga sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 26 tỷ m3 khí đốt mỗi năm thông qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, và một phần sẽ được thanh toán bằng đồng ruble của Nga. Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được xem là “một trong những huyết mạch quan trọng nhất để cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu”, và không giống các đường ống dẫn khí đốt khác của Nga sang “lục địa già”, nó vẫn hoạt động nhịp nhàng mà không gặp bất cứ sự cố nào.

Trong cuộc hội đàm, ông Erdogan cũng thẳng thắn nói rằng, Nga đóng vai trò đặc biệt trên trường quốc tế, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố. Đặc biệt, “sự đoàn kết” giữa Moscow và Ankara là chìa khóa để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Trung Đông, trong đó Syria, Iraq và Lybia đang là tâm điểm.

Chuyến thăm Nga của ông Erdogan với những kết quả đạt được cho thấy chính sách “không từ bỏ nước Nga” và liên tục để mở các kênh đối thoại đã thể hiện tính độc lập tự chủ của Thổ Nhĩ Kỳ trước sức ép của NATO và EU. Mặt khác, nó cũng chứng minh cho nhiều nước thấy rằng, chính sách bao vây cấm vận không phải là “liều thuốc” hiệu nghiệm để giải quyết những mục tiêu cả ngắn hạn và dài hạn, mà đôi khi còn ảnh hưởng đến chính đất nước mình.

Đánh giá về vai trò trung gian của Ankara và cách Tổng thống Erdogan duy trì hành động cân bằng chính trị giữa Nga và Ukraine, Tiến sĩ Maryna Vorotnyuk, chuyên gia hàng đầu về khu vực Biển Đen tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Anh (RUSI), cho rằng, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng nước này luôn tìm cách định vị mình là cầu nối giữa phương Tây và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ có các lợi ích quốc gia chiến lược của riêng mình, và họ không có lợi khi công khai lập trường thân NATO, Nga hoặc Ukraine.

Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng xích lại gần hơn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại làm cho Mỹ và các đồng minh phương Tây khó chịu. Tờ Financial Times dẫn lời một số quan chức phương Tây giấu tên nói rằng, họ “lo ngại về kế hoạch hợp tác thương mại và năng lượng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”. Một quan chức EU khác cho biết, Brussels đang theo dõi ngày càng chặt chẽ mối quan hệ Ankara-Moscow khi Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang thúc đẩy nền tảng thương mại với Nga. Còn Washington từng cảnh báo sẽ trừng phạt các quốc gia lách lệnh trừng phạt đối với Nga bằng “các biện pháp trừng phạt thứ cấp”?!

Giới quan sát nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất thể hiện sự linh hoạt, năng động và thực dụng trong chính sách đối ngoại, chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong bối cảnh đối đầu ngày càng tăng giữa Nga với phương Tây, Ankara đang xem xét nghiêm túc những rủi ro của việc Washington chính thức mất vai trò lãnh đạo chính trị và kinh tế toàn cầu.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.