Bước tiến lớn của SCO

.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang đứng trước cơ hội lớn nhất từ trước đến nay để nâng cao vị thế và tầm vóc trên trường quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra thành công tốt đẹp vừa qua mở ra chương mới cho sự phát triển của tổ chức này.

Lãnh đạo các nước thành viên SCO tại hội nghị thượng đỉnh SCO ở Samarkand, (Uzbekistan) ngày 16-9. Ảnh: AP
Lãnh đạo các nước thành viên SCO tại hội nghị thượng đỉnh SCO ở Samarkand, (Uzbekistan) ngày 16-9. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra tại thành phố Samarkand (Uzbekistan) được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử không chỉ về quy mô mà cả những kết quả đạt được.

Những thành quả nổi bật 

Với sự tham gia của 15 lãnh đạo các nước, hội nghị SCO lần thứ 22 ra Tuyên bố chung Samarkand và các tuyên bố khác về bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, an ninh năng lượng quốc tế, đối phó với biến đổi khí hậu và duy trì chuỗi cung ứng đáng tin cậy. Rõ ràng nhận thấy, điểm nhấn tại hội nghị là việc SCO chiêu mộ thêm thành viên mới và những gương mặt đối tác mới. Iran trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên ký bản ghi nhớ về các nghĩa vụ để trở thành thành viên của SCO; khởi động quá trình kết nạp Belarus với tư cách thành viên đầy đủ; Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar, vốn vẫn được coi là đồng minh của Mỹ, được cấp quy chế đối tác đối thoại; Bahrain, Kuwait, Maldives. Myanmar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bắt đầu thủ tục nhận quy chế này.

Một điểm sáng khác tại hội nghị là việc các nhà lãnh đạo đồng thuận về lộ trình tăng dần tỷ trọng đồng nội tệ trong việc thanh toán các hợp đồng thương mại giữa các nước. Theo hãng tin Reuters, Nga được coi là động lực chính thúc đẩy chuyển đổi lâu dài sang thanh toán bằng nội tệ nhằm giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và các đồng tiền phương Tây khác trong giao dịch vào thời điểm Moscow đang đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Bên lề hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, 25% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thanh toán bằng đồng ruble và thỏa thuận về vấn đề này sẽ sớm có hiệu lực. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Ai Cập, ông Georgy Borisenko cho biết, Moscow sẽ sử dụng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng ruble hoặc đồng bảng Ai Cập) với Cairo, tương tự như trao đổi thương mại với Trung Quốc trong khuôn khổ Hệ thống chuyển thông điệp tài chính của Nga (SPFS).

Tầm vóc mới, vị thế mới  

Việc SCO có thêm thành viên và đối tác đồng nghĩa với việc tổ chức này sẽ có nhiều tiếng nói mạnh mẽ hơn trong quản trị toàn cầu, qua đó khẳng định SCO là một trong những tổ chức khu vực lớn nhất thế giới và là trung tâm quyền lực mới đang trỗi dậy mạnh mẽ. Giờ đây, phạm vi ảnh hưởng của SCO ngày càng mở rộng, vươn đến Trung Đông, các quốc gia ở Vịnh Ba Tư.

Bên cạnh đó, theo hãng tin AP, SCO đang khẳng định vị thế trên bản đồ năng lượng thế giới. Thực tế, tổ chức này không chỉ bao gồm các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ mà còn thu hút các nhà cung cấp dầu hàng đầu trong OPEC+, gồm Nga và Iran. Hơn nữa, UAE, Kuwait, Saudi Arabia và Qatar cũng đã hoặc hướng tới trở thành đối tác đối thoại. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa Trung Á và các khu vực khác đang dần lớn mạnh. Thời gian tới sẽ chứng kiến việc thực thi các dự án triển vọng như Đường ống Sức mạnh Siberia 2 vận chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc qua Mông Cổ, Hành lang đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc đến châu Âu và Trung Đông...

Trao đổi với Global Times, Sheradil Baktygulov, nhà phân tích chính trị độc lập ở Kyrgyzstan nhận định, SCO là mô hình hợp tác khu vực thành công khi đã tập hợp các quốc gia vốn có các quy tắc văn hóa, chính sách đối ngoại và mô hình phát triển khác nhau. Chỉ trong thời gian ngắn, SCO đã trở thành yếu tố cấu thành quan trọng của trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu hiện đại. Đặc biệt, Trung Quốc và Nga, hai quốc gia hùng mạnh có thể cùng vạch ra “bản đồ chỉ đường” trong tăng cường hợp tác đa phương. SCO đã thành công khi vạch ra các cơ chế hợp tác đa phương mới; đưa ra tất cả các quyết định trên cơ sở đồng thuận với mục tiêu hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực; tập hợp các nước muốn phát triển kinh tế nhưng không dựa vào phương Tây. Trung Quốc là ví dụ điển hình khi đã đạt bước tiến ấn tượng về kinh tế và xã hội, gia tăng đáng kể tầm ảnh hưởng nhờ chính sách mở cửa bắt nguồn từ các phương pháp tiếp cận của chính mình.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang tìm cách gia nhập SCO trong bối cảnh nước này muốn xây dựng liên minh ở phương Đông. Hãng Tribune News dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 18-9 cho biết: “Quan hệ giữa chúng tôi với các nước thuộc SCO sẽ chuyển sang vị thế rất khác biệt với bước đi sắp tới. Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ lịch sử và văn hóa với châu Á và mong muốn có vai trò trong SCO”. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ thành công, đây sẽ là thành viên NATO đầu tiên gia nhập SCO. Nước này đã liên kết với SCO từ năm 2013, sau khi ký thỏa thuận đối tác.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.