EU gặp khó khi áp đặt trừng phạt mới đối với Nga

.

Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khi tìm kiếm lệnh trừng phạt mới hiệu quả hơn đối với Nga trong thời điểm hiện nay bởi khối này đang đối mặt với hàng loạt thách thức, gồm nội bộ lục đục, “bão giá” năng lượng và lương thực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

EU gặp khó khi áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Nga. TRONG ẢNH: Toàn cảnh phiên họp Nghị viện châu Âu ở Pháp ngày 14-9. Ảnh: AP
EU gặp khó khi áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Nga. TRONG ẢNH: Toàn cảnh phiên họp Nghị viện châu Âu ở Pháp ngày 14-9. Ảnh: AP

Một số quan chức các nước thành viên EU nhận định, “động lực trừng phạt đang suy yếu và điều đó ngày càng trở nên khó khăn hơn với gói trừng phạt mới”. Thực tế, EU chỉ gia hạn các biện pháp trừng phạt hiện có mà chưa tính đến những hạn chế mới đối với Moscow.

Nội bộ lục đục

Nội bộ EU đang chứng kiến tranh cãi trái chiều về chính sách trừng phạt Nga. Điển hình, Hungary - nước vẫn nhập khẩu nguồn khí đốt từ Nga - khiến nhiều nước thành viên khác “đau đầu” khi duy trì quan hệ chặt chẽ về kinh tế với Nga và cản trở EU áp đặt lệnh trừng phạt Moscow. Theo hãng tin Reuters, tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này không ủng hộ biện pháp trừng phạt chống lại các nhà tài phiệt Nga.

Theo đó, Budapest kêu gọi loại 3 doanh nhân Nga khỏi danh sách trừng phạt. Chính Hungary cũng chỉ trích việc áp giá trần đối với khí đốt Nga vì điều này đi ngược lại với lợi ích của Budapest. Ngày 18-9, ông Orban cho rằng xung đột Nga - Ukraine lẽ ra chỉ mang tính cục bộ. Tuy nhiên, phương Tây đã biến vụ việc này mang tính toàn cầu; đồng thời tiếp tục chỉ trích lệnh trừng phạt đối với Nga khi cho rằng động thái này khiến các nước thành viên gánh chịu hệ lụy lớn. Theo nhà lãnh đạo Hungary, khủng hoảng năng lượng có thể khiến 40% ngành công nghiệp của “lục địa già” ngừng hoạt động trong mùa đông tới.

Đáp lại, Nghị viện châu Âu cảnh báo, Hungary không còn có thể được coi là một nền dân chủ và các giá trị châu Âu đang bị đe dọa do hệ thống ở nước này. Theo đó, ngày 18-9, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất ngừng khoản trợ cấp 7,5 tỷ euro dành cho Hungary với lý do Budapest vẫn chưa thực hiện các cam kết cải tổ theo yêu cầu của EU. Giới quan sát nhìn nhận, việc EU tung đòn phạt chưa từng có trong lịch sử với một nước thành viên như thế báo hiệu khối này thực sự hết kiên nhẫn với Hungary.

Ngoài Hungary, EU cũng đang lo ngại về lập trường của Italy đối với các lệnh trừng phạt sắp tới khi nước này có chính phủ mới. Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu của Italy, đã cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga gây tổn thương đối với nước này và kêu gọi sự thận trọng trong việc áp các lệnh trừng phạt mới lên Moscow.

Động lực trừng phạt giảm dần

Tuần trước, Hội đồng châu Âu quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đối với Nga thêm 6 tháng đến ngày 15-3-2023. Các biện pháp hạn chế hiện tại bao gồm hạn chế đi lại đối với cá nhân, đóng băng tài sản và cấm tạo quỹ hoặc các nguồn lực kinh tế khác cho những người và tổ chức của Nga có tên trong danh sách. Theo đó, 1.206 cá nhân và 108 thực thể của Nga sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế này. Cho đến nay, EU đã thông qua 7 gói trừng phạt nhằm vào Nga.

Theo politico.eu., EU đang ở tình thế khó khăn khi tìm các biện pháp cứng rắn hơn để trừng phạt Nga mà không gây thiệt hại cho chính mình về mặt kinh tế. Trong khi đó, một số nước EU đang đối mặt thách thức kinh tế không nhỏ trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt. GDP được điều chỉnh của Đức sẽ thấp hơn 1,7% vào năm 2023. Kinh tế nước này dự kiến mất hơn 260 tỷ euro giá trị gia tăng năm 2030 do xung đột ở Ukraine và giá năng lượng cao.

Các chuyên gia nhận định, diễn biến mới nhất trong xung đột ở Ukraine thậm chí làm giảm bớt tính cần thiết phải có thêm các hình phạt đối với Nga, ít nhất là vào lúc này. Thậm chí, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen không đề xuất bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào tại phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu tuần trước.

Trong khi đó, theo CNN, giới chức Mỹ nhận định, lệnh trừng phạt từ phương Tây không thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Trước doanh thu năng lượng cao kỷ lục của Moscow từ các thương vụ xuất khẩu năng lượng và giá trị ngày càng gia tăng của đồng ruble, các lệnh trừng phạt dường như không hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Nga ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục khi thu về gần 160 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng.

Bất chấp trừng phạt, các “gã khổng lồ” dầu lửa Nga vẫn ghi nhận doanh thu khủng. Lợi nhuận của tập đoàn năng lượng Rosneft Oil tăng 13% lên 432 tỷ ruble trong nửa đầu năm 2022, tương đương khoảng 7,2 tỷ USD, nhờ giá dầu thô tăng mạnh. Tuy nhiên, một số nước có quan điểm cứng rắn với Nga vẫn nỗ lực “huy động ý chí chính trị” nhằm kêu gọi vòng trừng phạt mới nhằm vào Moscow, trong đó có trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân của Nga do liên quan đến tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.