Số người siêu giàu trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục

.

Số người có “giá trị tài sản ròng cực cao” (UHNW) trên toàn cầu đã tăng từ 46.000 người vào năm 2021, lên mức kỷ lục 218.200 người vào năm nay nhờ hưởng lợi từ quá trình phục hồi sau đại dịch.

Ngân hàng đầu tư Credit Suisse ở Thụy Sĩ chuyên giúp quản lý tài sản của nhiều người giàu nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Ngân hàng đầu tư Credit Suisse ở Thụy Sĩ chuyên giúp quản lý tài sản của nhiều người giàu nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Trang The Guardian (Anh) dẫn báo cáo của Ngân hàng đầu tư Credit Suisse (Thụy Sĩ) cho biết số người thuộc nhóm UHNW - những người có tài sản trên 50 triệu USD - đã tăng vọt vào năm 2021 khi giới siêu giàu hưởng lợi từ giá nhà tăng cao và thị trường chứng khoán bùng nổ. Theo đó, số người trong nhóm UHNW đã tăng hơn 50% trong hai năm qua.

Báo cáo của Credit Suisse, ngân hàng chuyên giúp quản lý tài sản của nhiều người giàu nhất thế giới, cho biết xu hướng gia tăng tài sản mạnh mẽ cũng khiến tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu gia tăng vào năm 2021. Cụ thể, số người thuộc nhóm UHNW chỉ chiếm 0,00004% dân số thế giới, trong khi hàng tỷ người có thu nhập trung bình và thấp phải chật vật trong đại dịch khi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng sự phục hồi của hoạt động kinh tế vĩ mô trong môi trường lãi suất thấp đã tạo ra những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho tăng trưởng tài sản trong năm 2021.

“Chúng tôi ước tính rằng tổng tài sản toàn cầu đạt 463,6 tỉ USD vào cuối năm 2021, tăng thêm 41,4 tỉ USD (9,8%) so với năm 2020. Trong khi đó, tài sản của mỗi người trưởng thành trung bình tăng 6.800 USD (8,4%), đạt 87.489 USD/người/năm, gần gấp ba 3 lần mức được ghi nhận vào thời điểm chuyển giao thế kỷ”, báo cáo viết.

Ông Anthony Shorrocks, Giáo sư kinh tế và là tác giả của báo cáo, bình luận: “Đây gần như là một sự bùng nổ về của cải vào năm trước. Có lẽ cao hơn bất kỳ năm nào chúng tôi từng ghi nhận”.

Tuy nhiên, tài sản gia tăng không được phân bổ một cách đồng đều. Cụ thể, 1% số người giàu nhất thế giới đã chiếm 46% tổng tài sản trên toàn cầu, tăng từ 44% trong năm 2020. Số lượng triệu phú USD cũng đã tăng 5,2 triệu người trong năm 2021 lên tổng số 62,5 triệu người, gần bằng dân số 67 triệu người của nước Anh. Giáo sư Shorrocks cho biết số lượng triệu phú ngày càng nhiều đến mức nó đang trở thành “thước đo không phù hợp cho sự giàu có”.

Báo cáo chỉ ra rằng Mỹ chiếm hơn 1/3 tổng triệu phú thế giới, với 24,5 triệu người. Số lượng triệu phú Mỹ cũng tăng 2,5 triệu người - gần một nửa tổng số triệu phú mới trên toàn thế giới. “Đây là sự gia tăng số lượng triệu phú lớn nhất được từng được ghi nhận đối với bất kỳ quốc gia nào trong thế kỷ này. Số lượng triệu phú ở Mỹ đã tiếp tục gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2016”, báo cáo cho biết.

Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các quốc gia có nhiều triệu phú nhất, chiếm 10% triệu phú thế giới. Theo sau là Nhật Bản (5,4%), Anh (4,6%) và Pháp (4,5%).

Còn xét về tài sản trung bình của mỗi người trưởng thành, Thụy Sĩ một lần nữa là quốc gia giàu nhất. Hiện 1 người trưởng thành của nước này có tài sản trung bình khoảng 700.000 USD. Theo sau đó là Mỹ với 579.000 USD/người. Người trưởng thành ở Anh có tài sản trung bình là 309.000 USD, xếp ở vị trí thứ 14. Trong khi đó, quốc gia có mức độ giàu có trung bình tăng mạnh nhất là New Zealand, với mức tăng trung bình 114.000 USD lên 472.000 USD.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.