"Chú ngựa bất kham" trong NATO

.

Là thành viên sáng lập của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vốn nằm giữa hai lục địa Á - Âu nên càng giữ vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với tổ chức này. Lịch sử tồn tại và phát triển quan hệ NATO - Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận những bước thăng trầm đầy kịch tính.

Trong gần 10 năm trở lại đây, đôi bên phải đối diện với hàng loạt thách thức vô cùng căng thẳng như bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, hai thành viên của NATO trong vấn đề lãnh thổ ở khu vực Địa Trung Hải; việc giải quyết người Kurd ở biên giới với Syria; cuộc đảo chính bất thành năm 2016 nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan; căng thẳng giữa Washington và Ankara gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình tiêm kích F-35 Lightning II do nước này mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga… Đặc biệt về việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO, hầu hết các nước thành viên đều đồng ý, chỉ ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một loạt điều kiện cứng rắn, gồm yêu cầu Thụy Điển dẫn độ hàng trăm nghi phạm chủ yếu là người Kurd mà Ankara cáo buộc là “khủng bố” hoặc dính líu đến cuộc đảo chính năm 2016.

Trong khi đó, Thụy Điển vẫn nỗ lực thực hiện các động thái để trở thành thành viên NATO với nhiều chuyến thăm của các bộ trưởng hàng đầu tới Ankara và sửa đổi hiến pháp để có thể thông qua luật chống khủng bố cứng rắn hơn.

Tuy nhiên, ngày 21-1, quan hệ giữa Ankara và Stockholm trở nên căng thẳng sau khi nhà chức trách Thụy Điển cho phép tổ chức cuộc biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trước Đại sứ quán nước này ở Stockholm. Đáng chú ý, trong hoạt động biểu tình có cả việc đốt kinh Koran của người Hồi giáo. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích các hành động chống đạo Hồi, nhằm vào người Hồi giáo và xúc phạm các giá trị thiêng liêng, dưới vỏ bọc tự do ngôn luận là không thể chấp nhận được. Nhiều quốc gia Arab khác như Saudi Arabia, Jordan và Kuwait cũng phản đối hành động đốt kinh Koran.

Theo Al Jazeera, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tiếp người đồng cấp Serbia ngày 26-1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: “Cuộc gặp ba bên đã bị hoãn vì tình cảnh hiện tại làm lu mờ đối thoại”. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cũng cho biết không có đề nghị đánh giá tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan riêng rẽ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi các cuộc đàm phán ba bên dự kiến diễn ra vào tháng tới.

RFI dẫn lời Tổng thống Erdogan cho hay: “Rõ ràng , những ai cho phép hành động như thế trước Đại sứ quán của chúng ta chớ nên trông đợi bất cứ cử chỉ nào từ chúng ta liên quan đến việc gia nhập NATO…”. Bình luận này càng khiến triển vọng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Vấn đề khác cũng đang thách thức quan hệ NATO-Thổ Nhĩ Kỳ khi ông Ethem Sancak, Phó Chủ tịch đảng Yêu nước (Vatan Partisi) nói rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời NATO sau 5 đến 6 tháng nữa bởi tổ chức này đang cố gắng khiến chúng tôi bị cuốn vào cuộc chiến ở Trung Đông. Bạn có thể thấy các chiến dịch chống lại Kinh Koran ở Bắc Âu”.

Chính trị gia này cũng tuyên bố, có tới 80% dân số Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc tham gia liên minh quân sự và gợi ý rằng đảng Yêu nước sẽ phát động chiến dịch vận động rút khỏi NATO hoàn toàn và đóng cửa tất cả các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, ông Omer Celik, người phát ngôn đảng Công lý và Phát triển (đảng AK) của Tổng thống Erdogan, ngày 25-1 khẳng định Ankara không xem xét khả năng rút khỏi NATO.

Những diễn biến nói trên cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ thật sự là “chú ngựa bất kham” trong NATO; đồng thời cũng bộc lộ những bất đồng ngay trong nội bộ khối, trong bối cảnh tình hình an ninh châu Âu đang bị thách thức nghiêm trọng, mà cuộc xung đột Nga - Ukraine là đỉnh điểm.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.