Nhật Bản hạn chế xuất khẩu công nghệ tới Trung Quốc, Nga

.

Nhật Bản sắp công bố hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu liên quan tới công nghệ và máy móc sang Trung Quốc và Nga. Bước đi mới nhất thể hiện rõ ràng hơn về việc Tokyo “cùng hội cùng thuyền” với Mỹ và Hà Lan nhằm kìm hãm sự phát triển ngành chip của Trung Quốc, qua đó tác động dây chuyền đối với tham vọng công nghệ khác của Bắc Kinh, gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất chip bán dẫn của Jiangsu Azure Corp tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất chip bán dẫn của Jiangsu Azure Corp tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nới rộng rào cản đối với ngành chip Trung Quốc 

Theo Bloomberg, liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hà Lan sẽ gần như áp đặt phong tỏa hoàn toàn, khiến Trung Quốc khó có thể mua thiết bị cần thiết để sản xuất chip tiên tiến nhất hiện nay, qua đó giáng đòn mạnh vào tham vọng “tự thân vận động” của ngành chip nội địa nước này. Ba quốc gia trong liên minh sở hữu những công ty đóng vai trò quan trọng nhất trong sản xuất trang thiết bị chế tạo chip, gồm ASML (Hà Lan), Tokyo Electron Ltd (Nhật Bản) và Applied Materials Inc (Mỹ). Giới chức của liên minh đưa ra kết luận ngày 27-1 (giờ Mỹ) về những biện pháp hạn chế mới, trong đó quy định rõ những linh kiện có thể cung cấp cho Trung Quốc.

Nhiều khả năng, Hà Lan sẽ mở rộng hạn chế đối với ASML Holding NV nhằm ngăn chặn công ty này bán một số máy in thạch bản bằng tia tử ngoại cực ngắn, vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất một số loại chip tiên tiến và nếu không có nó, nỗ lực thiết lập dây chuyền sản xuất có thể là bất khả thi. Nhật Bản sẽ áp các hạn chế tương tự đối với tập đoàn Nikon Corp. Phó Chánh văn phòng Nội các Seiji Kihara, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này sẽ thực hiện các bước thích hợp dựa trên động thái pháp lý của Mỹ và các nước khác.

Tokyo Electron, bên cung cấp thiết bị chế tạo chip cho Trung Quốc, có giá cổ phiếu giảm 1% sau khi có thông tin trên. Nhiều hãng sản xuất chip của Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Theo đó, giá cổ phiếu của SMIC (Thượng Hải) giảm 2,1%, trong khi Hua Hong Semiconductor Ltd. giảm 1,5%. Ông Fiona Lim, chuyên gia về ngoại hối tại Malayan Banking Berhard (Singapore) cho biết: “Điều này đặt ra động thái leo thang tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung và có thể làm suy yếu tâm lý đồng Nhân dân tệ một chút trong thời gian tới”. Ngay cả giám đốc điều hành của ASML (Hà Lan) cũng cảnh báo, cuộc chiến công nghệ do Mỹ dẫn dắt có thể gây ra những hậu quả không lường bởi Trung Quốc cuối cùng vẫn có thể phát triển thành công công nghệ của riêng mình dù tốn nhiều thời gian.

Dù chưa rõ tính hiệu quả của việc Hà Lan và Nhật Bản kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc nhưng đây rõ ràng là chiến thắng ngoại giao lớn đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington không còn “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. Hồi tháng 10-2022, Washington công bố hạn chế sâu rộng đối với việc Bắc Kinh tiếp cận công nghệ sản xuất chip của Mỹ. Thực ra, nếu không có cái bắt tay của Nhật Bản hoặc Hà Lan, các công ty Mỹ sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh khi các đối thủ của họ tiếp tục hoạt động tại một trong những thị trường béo bở này.

Một số quan chức Nhật Bản nhận định, Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn và các công ty Nhật Bản đang kinh doanh ở nước này có thể sẽ bị thiệt hại. Song, Nhật Bản hy vọng doanh số bán hàng tại các công ty bị ảnh hưởng sẽ phục hồi nhanh chóng nếu họ khéo léo bằng cách chuyển hướng mở rộng thị trường sang những nơi khác, chẳng hạn như Đông Nam Á.

Cấm xuất khẩu hàng hóa chiến lược cho Nga

Theo Newsnpr, Nhật Bản sẽ cấm vận chuyển những nhóm hàng hóa mang tính chiến lược đến 49 tổ chức ở Nga, bao gồm thiết bị và linh kiện bán dẫn, robot, máy phát điện, chất nổ và vắc-xin. Nằm trong diện bị cấm xuất khẩu sang Nga còn có thiết bị y tế, thiết bị cho các cơ sở hạt nhân, thăm dò dầu khí tự nhiên, những loại hóa chất khác nhau, gồm hơi cay và bột lấy dấu vân tay. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 3-2. Ngoài ra, Tokyo cũng tiến hành phong tỏa tài sản đối với 3 tổ chức và 22 cá nhân tại Nga, cũng như 14 cá nhân ủng hộ Nga trong vụ sáp nhập vùng lãnh thổ đông nam Ukraine.

Trong số các tổ chức/thực thể và cá nhân chịu ảnh hưởng từ quy định này có công ty sản xuất máy bay JSC Irkut Corp, nhà sản xuất tên lửa đất đối không MMZ Avangard, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Mikhail Mizintsev và Bộ trưởng Tư pháp Konstantin Chuychenko. “Trước tình hình liên quan đến Ukraine và đóng góp vào các nỗ lực quốc tế về bảo đảm hòa bình, Nhật Bản sẽ thực hiện lệnh cấm xuất khẩu giống như các quốc gia lớn khác”, Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp lý giải trong thông cáo gần đây.

Mỹ hiện chiếm khoảng 12% thị phần bán dẫn toàn cầu, trong khi Nhật Bản chiếm 15%, còn Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đều nắm giữ khoảng 20%. Ngoài Nhật Bản và Hà Lan, Mỹ đang kêu gọi các đồng minh khác như Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc có động thái nối gót. Mỹ và Hà Lan dự kiến ký thỏa thuận về hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc vào cuối tháng này.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.