Trong nỗ lực củng cố tầm ảnh hưởng của Pháp tại Trung Phi, Tổng thống Emmanuel Macron đang công du 4 quốc gia trong khu vực này, gồm Gabon, Angola, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây là chuyến thăm châu Phi lần thứ 18 của ông Macron kể từ khi lên làm tổng thống năm 2017. Chuyến công du diễn ra sau khi ông Macron công bố chiến lược về châu Phi, nơi mà ảnh hưởng của Pháp đang suy giảm và điều này có lợi cho các cường quốc khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.
Trong bài phát biểu gửi cộng đồng người Pháp tại Libreville (Gabon), ông Macron nói: “Thời đại của Francafrique đã qua”. Chính sách “Francafrique” là cách tiếp cận mang tính bề trên của nước Pháp với châu Phi. Vậy thực hư của tuyên bố chấm dứt sự can dự này như thế nào?
Diễn biến thời gian qua cho thấy các nước phương Tây như Pháp và Anh vốn thống trị hầu hết các quốc gia châu Phi hàng trăm năm qua nhưng ngày càng tỏ ra mờ nhạt về tầm ảnh hưởng lẫn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Theo nhật báo Le Figaro, tầm ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi không ngừng suy yếu. Vị thế truyền thống của Paris bị đẩy lùi do sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc và Nga, cũng như cạnh tranh của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Trung Quốc đang điều chỉnh cách tiếp cận, kết hợp chặt chẽ hơn với các chính sách tài chính và ngoại giao tại châu Phi. Ông Murithi Mutiga, Giám đốc dự án vùng Sừng châu Phi tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, cho biết: “Trung Quốc là đối tác kinh tế chính trong khu vực. Giờ đây họ tạo ảnh hưởng trên cả lĩnh vực địa chính trị”. Thương mại giữa nước này và châu Phi đạt 250 tỷ USD năm 2021.
Nga cũng nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng khắp châu lục này thông qua bán vũ khí, thúc đẩy sự hiện diện của cố vấn và binh sĩ, xúc tiến thỏa thuận thương mại và đầu tư vào các lĩnh vực. Thậm chí, ngay trong bối cảnh xung đột ở Ukraine ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực, Nga tặng hàng vạn tấn lương thực cho một số nước châu Phi để ứng phó với nạn đói đang đe dọa.
Ông Tatiana Smirnova, chuyên gia về quan hệ giữa Nga và châu Phi tại Đại học Quebec (Canada), nhận định: “Châu Phi trở thành một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, vốn sẽ trở nên quyết liệt hơn trong việc chinh phục thị trường châu Phi và định vị Moscow là lựa chọn thay thế đối với các đối thủ cạnh tranh đến từ phương Tây”. Nga đang tận dụng hình ảnh mà Liên Xô trước đây tạo dựng ở châu Phi thông qua hỗ trợ các phong trào giải phóng, đào tạo sinh viên và xây dựng bệnh viện.
Không những vậy, cả Nga và Trung Quốc nhiều lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo châu Phi để tìm đồng thuận về chính sách lẫn hợp tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội sâu rộng và thực chất. Vì thế, dù tuyên bố kỷ nguyên can thiệp của Pháp ở châu Phi đã qua nhưng Tổng thống Macron lại khẳng định, Paris sẽ đóng vai trò “người đối thoại trung lập” ở lục địa này và lưu ý rằng tuyên bố của ông về tổ chức lại quân đội Pháp trên lục địa này không phải là rút lui hay không can dự, mà thực chất là điều chỉnh thỏa thuận với các đồng minh?! Nói như vậy thì có khác gì chủ nhân của Điện Elysee muốn tạo ra vỏ bọc mới cho sự can thiệp của Pháp vào lục địa này?
Pháp hiện có hơn 6.000 binh sĩ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống khủng bố tại châu Phi, được triển khai tại các nước Niger, Cộng hòa Chad, Senegal, Côte d’Ivoire, Gabon và Djibouti. Le Figaro đánh giá, việc tổ chức lại các căn cứ quân sự Pháp tại châu Phi, biến thành học viện hay các căn cứ đồng quản lý với quân đội của nước sở tại có thể là biện pháp nửa vời. Xét về đầu tư phát triển hay hợp tác thương mại, Pháp còn thua xa nguồn lực của Trung Quốc hay Nga. Chuyên gia nghiên cứu Roland Marchal của Trung tâm Khoa học quốc gia Pháp nhận định: Mục tiêu trước hết của ông Macron trong chuyến công du là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Ông Macron dường như trở lại với chính sách truyền thống, sau khi từng hứa thiết lập cách tiếp cận mới. Hay nói cách khác, Pháp vẫn giữ nguyên bản bản chất sự can thiệp như trước đây nhưng làm mới bằng những ngôn từ phù hợp với xu thế của thời đại!
TUYẾT MINH