Thỏa thuận đầu tiên ở Gaza

.

Sau 5 tuần xung đột khốc liệt, cuối cùng Dải Gaza đã có khoảng ngưng tiếng súng ngắn ngủi. Cả Israel và Hamas cùng tuyên bố đạt thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin trong thời gian 4-5 ngày.

Người thân và những người ủng hộ của các con tin ở Gaza đã kết thúc chặng cuối trong đợt tuần hành từ Tel Aviv tới văn phòng của Thủ tướng Israel tại Jerusalem để hối thúc Chính phủ đưa con tin trở về. Ảnh: AP
Người thân và những người ủng hộ của các con tin ở Gaza đã kết thúc chặng cuối trong đợt tuần hành từ Tel Aviv tới văn phòng của Thủ tướng Israel tại Jerusalem để hối thúc Chính phủ đưa con tin trở về. Ảnh: AP

Ngày 21-11, Chính phủ Israel và Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của Palestine cùng phát thông báo đã đạt thỏa thuận: Hamas sẽ thả 50 con tin gồm phụ nữ và trẻ em của Israel đã bị họ bắt vào ngày 7-10 khi xung đột giữa hai bên bùng nổ với cuộc tấn công do Hamas phát động. Đổi lại sẽ là thời gian tạm ngừng bắn và cho khoảng 300 xe hàng cứu trợ nhân đạo từ Ai Cập đi vào Dải Gaza.

Thỏa thuận có gì?

Theo thỏa thuận, Israel cũng sẽ thả khoảng 150 người Palestine bao gồm tù nhân, phụ nữ, trẻ vị thành niên. Văn phòng Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết, cứ với mỗi 10 con tin được Hamas thả thêm, thời gian ngừng bắn sẽ kéo thêm một ngày. Ở giai đoạn thứ 2 của thỏa thuận, có thể Hamas sẽ thả thêm hàng chục phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi để kéo dài số ngày ngừng bắn.

Thỏa thuận gồm nhiều trang có hiệu lực trong 24 giờ sau khi công bố. Theo đó, các con tin dự kiến được thả vào sáng 23-11 (giờ địa phương). Đó là kết quả của 5 tuần đàm phán căng thẳng và bí mật liên quan Nhà Trắng, Qatar và Ai Cập cũng như với Israel và Hamas.

Thực tế, trong việc đạt thỏa thuận có sự can dự đáng kể của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo Politico, Washington hy vọng thỏa thuận sẽ tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn các nỗ lực cứu trợ nhân đạo tại Gaza và mau chóng đưa các con tin trở về nhà an toàn. “Chúng tôi quyết tâm đưa tất cả con tin trở về. Đó là nhu cầu chính yếu của thỏa thuận này”, một quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ cho biết vào đêm 21-11, trước khi thỏa thuận được công bố.

Dù vậy, các tiến trình đàm phán giải phóng con tin vẫn chưa hoàn tất. Còn khoảng 200 con tin nữa, gồm những binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), những người nước ngoài hai quốc tịch, vẫn đang bị Hamas quản thúc. Một vấn đề nan giải nữa là những ai đang thực sự kiểm soát các con tin. Thực tế, Hamas không kiểm soát tất cả. Có khoảng 30 con tin hoặc hơn thế gồm phụ nữ và trẻ em đang do các nhóm khác quản lý, chẳng hạn nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad/PIJ). Và ngay cả khi mọi phụ nữ và trẻ em Israel đã được thả, vẫn còn khoảng 140 con tin khác chưa được về nhà.

“Cho nhiều hơn để nhận nhiều hơn”

Ý tưởng cơ bản trong thỏa thuận là “more for more” (cho nhiều hơn để nhận nhiều hơn), công thức vốn rất phổ biến trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí, theo Washington Post. Điều này có nghĩa nếu Hamas thả nhiều con tin hơn thì Israel sẽ nới thêm thời gian ngừng bắn. Theo một quan chức cao cấp Israel, không có giới hạn trần nào cho khoảng thời gian ngừng bắn bởi Tel Aviv sẽ còn nỗ lực đàm phán cho tới khi đạt đợt trao trả con tin cuối cùng, trong đó bao gồm các binh sĩ của họ.

Ở thời điểm này, thật khó để hình dung chiến sự tại Gaza có thể sớm kết thúc bởi chính ông Netanyahu trước khi công bố thỏa thuận vài giờ vẫn còn khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự này cho tới khi đạt mọi mục tiêu đề ra”.

Những mục tiêu mà nhà lãnh đạo Israel nhắc tới ở đây đó là tiếp tục cuộc chiến để đưa mọi con tin bị bắt về nhà, xóa bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas và bảo đảm sẽ không còn mối đe dọa mới nào với Nhà nước Israel từ Gaza. Dù vậy, theo giới quan sát cũng như các bên liên quan, việc Israel và Hamas có thể đạt thỏa thuận đầu tiên trong 5 tuần chiến sự là tia sáng mang lại hy vọng, dù mong manh, giữa màn đêm u ám của bom đạn. Chính quyền của ông Biden cũng có ý định tận dụng cơ hội xuống thang căng thẳng thực sự đầu tiên này như “ bàn đạp” để có thể đưa nhiều hơn các con tin về nhà.

Tương tự, một quan chức cấp cao Qatar ca ngợi: “Thỏa thuận là minh chứng cho thấy đối thoại đã phát huy tác dụng. Đó là bước đầu tiên. Trong tất cả đàm phán trung gian của chúng tôi, các bên sẽ đạt những bước nhỏ để dẫn tới các thỏa thuận lớn hơn”. Qatar đã đóng vai trò trung gian hòa giải cho thỏa thuận. Ngoài ra, nước này cũng cố gắng tạo ảnh hưởng để Iran không leo thang xung đột. “Mẫu số chung” trong lập trường của Qatar hiện nay chính là kiềm chế xung đột Israel- Hamas leo thang.

Áp lực với Thủ tướng Netanyahu
Thủ tướng Israel Netanyahu cũng đang đối mặt cùng lúc với sức ép trong nước về việc phải đưa nốt số con tin còn lại về nước, và áp lực chính trị từ dư luận quốc tế. Ngay cả với thỏa thuận vừa đạt được, dù được nhiều bên ca ngợi thì với các đảng cực hữu của Israel vốn là một phần của liên minh cầm quyền, vẫn chưa hài lòng. Các đảng này cho rằng, đáng lẽ Israel cần tăng cường tấn công vào Gaza hơn nữa để có được những điều khoản tốt hơn trong thỏa thuận.  Dù vậy, thỏa thuận có thể giúp giải tỏa bớt áp lực quốc tế đang gia tăng với Israel và bắt đầu đe dọa các lợi ích quốc gia.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.