Israel tấn công "vùng an toàn" ở Gaza

.

Việc Israel không kích khu vực dành cho người sơ tán ở thành phố Rafah ngày 26-5 gây thương vong lớn là động thái phớt lờ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và lời kêu gọi “xuống thang” của cộng đồng quốc tế, khiến tình hình ở dải Gaza xấu đi từng giờ.

Hiện trường vụ tấn công của Israel ở thành phố Rafah, nam dải Gaza.  Ảnh: Anadolu/Getty
Hiện trường vụ tấn công của Israel ở thành phố Rafah, nam dải Gaza. Ảnh: Anadolu/Getty

Reuters dẫn lời phát ngôn viên cơ quan y tế ở Gaza Ashraf Al-Qidra ngày 26-5 cho biết vụ không kích nhằm vào khu phố Tel Al-Sultan ở tây bắc Rafah mà hàng nghìn người đang ẩn náu sau khi sơ tán khỏi khu vực phía đông thành phố, nơi Israel bắt đầu cuộc tấn công trên bộ hơn hai tuần trước. Ít nhất 35 người chết và hàng chục người bị thương, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm đa số. Trong khi đó, ngày 27-5, quân đội Israel (IDF) thừa nhận đã tấn công khu nhà của Hamas ở Rafah dựa trên cơ sở thông tin tình báo chính xác, khiến hai quan chức cấp cao của Hamas ở Bờ Tây thiệt mạng. IDF cũng đang xem xét các báo cáo về việc thường dân bị tổn hại.

Vụ tấn công này tiếp tục khiến Israel đối mặt làn sóng phẫn nộ và chỉ trích của dư luận bởi lẽ bên cạnh con số thương vong lớn, vụ việc cho thấy Israel đi ngược lại tuyên bố của họ về khu vực mà chính họ chỉ định là “vùng an toàn”. CNN dẫn thông báo của chính quyền Gaza và Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) cho biết, tuần trước quân đội Israel đã xác nhận đây là khu vực nhân đạo nên kêu gọi người dân sơ tán đến đây. Tuy nhiên, chính họ lại không kích vào khu ẩn náu này. Nỗi kinh hoàng là cảm nhận chung của các nhóm cứu trợ quốc tế trước vụ việc này. Tổ chức từ thiện ActionAid nói với The Independent rằng, những nơi trú ẩn này được cho là nơi trú ẩn an toàn cho thường dân vô tội, nhưng họ lại trở thành mục tiêu của bạo lực tàn bạo.

Tương tự, ông Tamara Alrifai, người phát ngôn của cơ quan Liên Hợp Quốc về viện trợ người Palestine (UNRWA), cho biết: “Những hình ảnh về vụ tấn công là bằng chứng cho thấy Gaza thực sự là địa ngục trần gian, không nơi nào an toàn và không ai an toàn ở đây”. Dù Liên Hợp Quốc ước tính hơn 800.000 người đã di tản khỏi Rafah chỉ vài tuần sau khi quân đội Israel tuyên bố tấn công, nhưng khu vực này vẫn có mật độ dân cư đông đúc.

Theo CNN, Hamas kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế ngay lập tức sau vụ tấn công mà họ cho là không khác gì vụ thảm sát và cho rằng chính quyền Mỹ, cũng như Tổng thống Joe Biden nói riêng, phải chịu trách nhiệm. Hamas cho rằng Israel sẽ không thực hiện các cuộc tấn công nếu Mỹ không hỗ trợ và bật đèn xanh cho nước này tấn công Rafah, bất chấp số lượng người dân phải đi sơ tán quá đông.

Cuộc tấn công được xem là màn đáp trả diễn ra vài giờ sau khi còi báo động không kích vang lên ở thủ đô Tel Aviv và khắp miền trung Israel lần đầu tiên kể từ tháng 1-2024 sau khi Hamas phóng loạt rocket tầm xa vào nước này. Dù vụ tấn công không gây thương vong nhưng khiến giới chức Israel quyết tâm theo đuổi mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn “cái gai” Hamas. The Guardian dẫn lời ông Benny Gantz, một thành viên trong nội các thời chiến của Israel, cho biết: “Vụ phóng rocket từ Rafah là bằng chứng cho thấy quân đội Israel phải hành động ở bất cứ nơi nào Hamas có mặt”.

Israel vẫn tiếp tục các cuộc không kích ở Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas, bất chấp việc Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague (Hà Lan) gần đây ra phán quyết buộc nước này lập tức dừng hoạt động quân sự tại thành phố này. Theo Reuters, ICJ cho rằng tình hình nhân đạo tại Rafah tiếp tục xuống cấp và hiện được xem là thảm họa với những thiệt hại không thể khắc phục được đối với quyền của người dân ở Gaza. Israel đã không thuyết phục được ICJ với việc sơ tán, cũng như biện pháp khác chưa đủ để giảm thiểu tác động đến người dân. Trong khi đó, theo The Times of Israel, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Yoel Smotrich tuyên bố, sau phán quyết của ICJ, những ai yêu cầu Israel dừng lại nghĩa là đang yêu cầu nước này dừng tồn tại. Do vậy, Israel không đồng ý với điều đó.

Các hành động của Israel ở Rafah trở thành điểm nóng gia tăng mức độ áp lực ngoại giao chưa từng có mà nước này đang đối mặt. Theo The Guardian, các quan chức tình báo Mỹ đã gặp các phái đoàn Israel và Qatar tại Paris (Pháp) cuối tuần trước trong nỗ lực đưa đàm phán về lệnh ngừng bắn trở lại đúng hướng nhưng Hamas hạ thấp các triển vọng khi thông báo họ vẫn chưa nhận được bất cứ điều gì từ các nhà hòa giải vào ngày nối lại về các cuộc đàm phán ở Cairo (Ai Cập) như truyền thông Israel đưa tin.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.