Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã trải qua 9 vòng. Các quan chức cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cho rằng, hai bên sắp đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại khi đàm phán vòng thứ 10 tại Washington dự kiến vào ngày 9-5 (giờ Mỹ).
Thế nhưng, dòng Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5-5 cho biết: “Trong 10 tháng, Trung Quốc đã trả thuế 25% cho Mỹ đối với 50 tỷ USD hàng hóa lĩnh vực công nghệ cao và 10% cho 200 tỷ USD đối với các loại hàng hóa khác… Mức thuế 10% sẽ tăng lên 25% vào thứ sáu này và lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 324 tỷ USD khác hiện chưa bị đánh thuế nhưng sắp tới sẽ phải chịu thuế 25%”. Theo lý giải của ông Trump, tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nước vẫn “tiếp diễn, nhưng quá chậm, khi Trung Quốc tìm cách đàm phán lại”.
Các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết đưa ra trong đàm phán, buộc Tổng thống Trump phải tuyên bố áp thuế bổ sung. Vậy Trung Quốc muốn đàm phán lại điều gì?
Có tin cho hay, tranh cãi mới nhất xảy ra sau khi phía Trung Quốc muốn những thay đổi trong thỏa thuận được thực thi thông qua những hành động hành chính và bằng các văn bản dưới luật, thay vì phải sửa đổi luật pháp như đã thỏa thuận trước đó. Theo Mỹ, điều đó “sẽ hủy hoại cấu trúc cốt lõi của thỏa thuận” bởi “việc không luật pháp hóa các nhượng bộ sẽ gây khó khăn cho việc kiểm chứng và buộc Trung Quốc tuân thủ”.
Ông Edward Alden, chuyên gia về ngoại thương tại Hội đồng Quan hệ quốc tế nhận định: “Việc thực thi thỏa thuận là trọng tâm đàm phán bởi Trung Quốc từ lâu nổi tiếng không tuân thủ các cam kết do chính họ đưa ra tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trong các cuộc đàm phán song phương, bất kể với Mỹ hay với các nước khác”.
Bất chấp việc Trung Quốc nhanh chóng sửa đổi luật đầu tư nước ngoài, nhưng tính chất minh bạch của các quy định áp dụng vẫn khiến Washington e ngại. Theo quan sát của ông Alden, “chính phủ Trung Quốc có thể sửa đổi các điều luật nhằm làm hài lòng Mỹ, nhưng sau đó dựa vào các quy định nhiêu khê khác để không thực hiện các cam kết của mình”.
Nỗi lo này ám ảnh Mỹ đến mức đoàn đàm phán của Washington đề nghị tổ chức các cuộc gặp đôi bên hằng tháng, mỗi quý và 2 lần trong năm. Các cuộc gặp 2 lần trong năm chủ yếu dành cho các quan chức cao cấp Mỹ và Trung Quốc để xử lý những vụ tranh chấp gai góc nhất.
Cũng theo nhận xét của ông Alden, việc đặt cơ chế giám sát thực thi cam kết lên bàn đàm phán là điều chưa từng thấy. Theo thông lệ, các cuộc thương thuyết thường đưa ra một giải pháp xử lý các tranh chấp thông qua các cơ quan xét xử độc lập, giống như trong WTO.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Mỹ cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định rằng, Washington sẽ không chấp nhận “lời hứa suông”. Còn Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, cơ chế thực thi thỏa thuận sẽ là chìa khóa cho quyết định có dỡ bỏ các mức thuế trừng phạt của Mỹ đối với hơn 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không.
Vì thế, động thái của Tổng thống Trump đưa ra áp thuế khi vòng đàm phán thứ 10 sắp diễn ra giống như một “thời hạn chót” mới và gây áp lực mạnh mẽ với Bắc Kinh; đồng thời phủ bóng đen lên triển vọng đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài.
Trước đó, phản ứng về tuyên bố của Tổng thống Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ hy vọng Mỹ có thể nỗ lực phối hợp với Trung Quốc để tìm điểm chung và đạt một thỏa thuận cùng thắng, đôi bên cùng có lợi, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Nhưng theo một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc, ít khả năng Bắc Kinh nhượng bộ thêm.
“Trung Quốc đang gần đến giới hạn cuối cùng của mình. Nếu Tổng thống Trump đưa ra thêm nhiều yêu sách, Trung Quốc khó thay đổi giới hạn cuối cùng”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), ông Trương Quân nhận định.
Chuyên gia tài chính tại Đại học Nhân dân ở thành phố Bắc Kinh, ông Triệu Tích Quân cho rằng, các hàng rào thuế quan chỉ là công cụ để Mỹ tăng cường sức ép đối với Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Trung Quốc từ trước đến nay luôn giữ lập trường là tìm cách đạt thỏa thuận có lợi cho hai bên thông qua đàm phán. Tuy nhiên, nếu những đòi hỏi của Mỹ vượt quá giới hạn cuối cùng, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận.
Vậy là giữa Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề “không thể” và “có thể” để gỡ “nút thắt” trên bàn đàm phán thương mại lần thứ 10. Nhưng mỗi bên đều cho rằng “không thể” làm khác được. Vậy “có thể” dung hòa được hay không để có một hiệp định thương mại mới mà hai bên cùng chấp nhận nhằm chấm dứt căng thẳng kéo dài vốn gây tổn hại cho nền kinh tế hai nước, tác động xấu đến tăng trưởng toàn cầu là câu hỏi lớn đặt ra.
TUYẾT MINH