Trong lúc cả thế giới đang phòng, chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các bước nhằm thôn tính Biển Đông.
Ngày 18-4, Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Trước đó, ngày 20-3, khi Covid-19 lan rộng khắp châu Âu, Trung Quốc thông báo đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai cơ sở nghiên cứu này do Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) quản lý.
Trước đó nữa, ngày 2-4, một tàu cá của Quảng Ngãi với 8 ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Bởi vậy, việc Trung Quốc thành lập hai “quận” hành chính để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam càng cho thấy rõ hơn mưu đồ đen tối và hành động vô cùng nguy hiểm của Bắc Kinh. Hành động mượn gió để bẻ măng và trong thời gian tới, nhất là thời kỳ hậu Covid-19, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ triển khai các chính sách đi ngược với luật pháp quốc tế để thực hiện âm mưu “độc chiếm Biển Đông”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định: Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trái với các thỏa thuận giữa hai nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông, tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước.
Dư luận quốc tế cũng phê phán hành động ngang ngược của Trung Quốc. GS. Carl Thayer - chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông - xem việc Trung Quốc thành lập hai “quận” hành chính là hành động “khiêu khích”, “bất hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế”, vi phạm nhiều thỏa thuận mà Bắc Kinh đã ký với Việt Nam cũng như với ASEAN.
GS. James Kraska, chuyên gia Luật Hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: Trung Quốc xem thường cam kết của họ với thế giới. Vì vậy, Trung Quốc sẽ vấp phải phản kháng của một tập thể gồm nhiều quốc gia cùng chia sẻ giá trị thượng tôn pháp luật. Chúng ta có thể đoán được Bắc Kinh sẽ chớp lấy cơ hội để tăng cường sự kiểm soát tại khu vực trong bối cảnh các quốc gia khác đang bị Covid-19 chi phối.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng cho rằng, Trung Quốc không ngừng “tận dụng” thời điểm khó khăn này để tiếp tục theo đuổi các yêu sách bất hợp pháp, tiếp tục mở rộng sự bành trướng ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của người dân Philippines nói riêng, các quốc gia ASEAN và thế giới nói chung.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố: “Lúc cả thế giới tập trung chống Covid-19, Trung Quốc lợi dụng thời cơ để thiết lập thêm cơ sở gọi là nghiên cứu tại Biển Đông và gia tăng các phi vụ quân sự”. Nhà Việt Nam học người Nga Vladimir Kolotov khẳng định, bước đi này của Trung Quốc tạo ra mối nguy hiểm chiến lược không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Á. Theo ông Kolotov, trong khi Mỹ và châu Âu gặp khó khăn do khủng hoảng liên quan Covid-19, Trung Quốc lại “thúc đẩy lợi ích” của mình ở Biển Đông. Ông nêu rõ đây là bước đi làm leo thang tình hình, phản tác dụng và sẽ là thất bại địa chính trị lớn nhất của Trung Quốc.
Những âm mưu của Trung Quốc càng làm nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhớ lại câu nói nổi tiếng của nhà văn Julius Fucik (Tiệp Khắc cũ, nay là Cộng hòa Czech): “Hỡi loài người mà tôi yêu quý, hãy cảnh giác!”.
TUYẾT MINH