Nước Mỹ rơi vào khủng hoảng kép

.

Trong lúc cả nước Mỹ chống chọi với đại dịch Covid-19, các cuộc biểu tình đòi công lý, phản đối bạo lực của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc bùng phát tại nhiều thành phố trong những ngày qua, dẫn đến bạo động, cướp bóc…

Báo Le Monde (Pháp) cho rằng, cội nguồn sự giận dữ của người Mỹ gốc Phi là do: Thứ nhất, 4 cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis (bang Minnesota) uy hiếp người da đen tên George Floyd; thứ hai là 6 năm trước tại New York cũng xảy ra một vụ tương tự, nạn nhân Eric Garner bán thuốc lá trên vỉa hè cũng thều thào một câu trước khi chết “Tôi không thở được”; thứ ba là ngoài George Floyd và Eric Garner bị cảnh sát uy hiếp, còn nhiều trường hợp người da đen khác cũng chịu cảnh tương tự, nghĩa là ở Mỹ nạn phân biệt chủng tộc không phải là vấn đề mới.

Bùng nổ xã hội lần này phản ánh rõ sự cách biệt chủng tộc trong hành xử của cảnh sát đối với người da đen. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, theo giới quan sát, nạn phân biệt đối xử chưa phải là nguyên nhân duy nhất của làn sóng bất bình đó. Covid-19 đang hoành hành tại Mỹ làm hơn 1,8 triệu người nhiễm và 106.000 người chết như tấm gương phản chiếu bối cảnh xã hội cường quốc này: Người Mỹ gốc Phi vẫn là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 5, nhà sử học Corentin Sellin (Pháp) đã đưa ra con số ấn tượng: Trong số cả trăm ngàn người chết vì Covid-19, người da đen chiếm 23%. Dịch bệnh xảy ra, cùng với lệnh phong tỏa làm hàng triệu người Mỹ thất nghiệp. Riêng tại bang Minnesota, nơi bùng phát bạo động xã hội, có đến 700.000 người mất việc làm. Tháng 2-2020, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất là 5%. Đến đầu tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước Mỹ là 14,7%, trong đó có đến 16,5% là người Mỹ gốc Phi.
Người dân Mỹ đã 2 lần dồn phiếu cho ứng cử viên tổng thống da đen, ông Barack Obama. Nhưng bấy nhiêu tiến bộ đó chưa đủ, bởi vấn đề đặt ra là người da đen vẫn là nạn nhân của bất công xã hội do phân biệt sắc tộc. Người da đen “không thể thở được” vì nghèo đói, thất nghiệp, dịch bệnh và bị phân biệt đối xử.

Không chỉ trên phương diện sắc tộc, vụ George Floyd còn phơi bày cả những bất bình đẳng trên phương diện chăm sóc sức khỏe. Trong số hơn 50 triệu người không có bảo hiểm y tế, có bao nhiêu người Mỹ gốc Phi? Họ là những nhóm người có tỷ lệ mắc các chứng bệnh béo phì, tiểu đường cao hơn những nhóm chủng tộc khác, bởi vì người da đen tập trung tỷ lệ đói nghèo cao nhất nên khi mắc Covid-19 thì nguy cơ tử vong rất cao.

Song, một điều nhức nhối nữa là tình trạng biểu tình dẫn đến bạo động đường phố, tấn công lực lượng cảnh sát và nạn cướp bóc tràn lan tại nhiều thành phố. Nhiều bang đã ban hành lệnh giới nghiêm, lực lượng cảnh sát và Cảnh vệ quốc gia được huy động để ngăn dòng người biểu tình. Thậm chí, ở một số nơi, nhiều người dân mang súng đi tuần tra để bảo vệ các cửa hàng, siêu thị nhằm ngăn chặn một số người lợi dụng sự bất ổn để đập phá, cướp bóc. Diễn biến đó cho thấy, phong trào “Tôi không thở được” không còn là biểu tình bình thường phản đối cảnh sát nữa, mà đã biến thành bạo loạn và hôi của. Nhưng nếu Tổng thống Trump huy động sức mạnh của quân đội để ứng phó thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là cho bản thân ông trong cuộc đua tái tranh cử. Hiện có đến 55% số người Mỹ được hỏi đã bày tỏ không chấp nhận cách xử lý các cuộc biểu tình của ông chủ Nhà Trắng và có 44% “cực kỳ không chấp nhận”.

Có thể nói, cùng với Covid-19, các cuộc biểu tình tại 140 thành phố dẫn đến tình trạng bạo loạn trong mấy ngày qua là khủng hoảng kép mà nước Mỹ phải đương đầu. Trong bối cảnh bầu cử tổng thống đang đến gần và cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng trở nên quyết liệt trên nhiều phương diện…, chính trường nước Mỹ trở nên sôi động và phức tạp hơn bao giờ hết.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích