Mô hình "6T" ở Trường tiểu học Núi Thành

.

Không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, chất lượng dạy học, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề là những điều dễ nhận thấy trong đội ngũ giáo viên khi Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) triển khai mô hình “6T”: Trí tuệ - tận tâm - thân thiện.

Một giờ dạy của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Yến tại Trường tiểu học Núi Thành.
Một giờ dạy của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Yến tại Trường tiểu học Núi Thành.

Mặc dù đang chăm sóc mẹ già nằm viện thường xuyên và lo cho hai con học lớp 2 và lớp 4, nhưng với cô giáo Nguyễn Thị Thu Sinh, giáo viên Trường tiểu học Núi Thành thì việc học của cô chưa bao giờ dừng lại.

Đã có bằng đại học sư phạm Tiểu học nhưng cô Sinh vẫn tranh thủ học thêm bằng thạc sĩ Giáo dục học, đồng thời đăng ký học Tiếng Anh trực tuyến. Nhiều lúc công việc dồn dập, mệt mỏi nhưng ở trường không khi nào thấy cô buồn bực hay cáu giận mà vẫn luôn ôn hòa, vui vẻ với mọi người, yêu thương học trò.

“Tôi tâm niệm đã là giáo viên đứng trên bục giảng phải luôn học hỏi để trau dồi kiến thức mới có thể đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao. Khi nhà trường triển khai mô hình “6T”, tôi lại thấy càng phải cố gắng hơn nữa, vượt qua những khó khăn trước mắt để thu xếp thời gian cho việc học”, cô Sinh chia sẻ.

Giải nhất cuộc thi “Thiết kế bài giảng E-learning cấp thành phố” năm học 2017-2018; giải nhất hội thi “Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi bậc tiểu học cấp quận” năm học 2017-2018... là những thành quả sau nhiều nỗ lực của cô Sinh.

Với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Yến, mặc dù đảm nhận vai trò Chủ tịch Công đoàn khá bận rộn, cô vẫn tham gia nhiều phong trào, cuộc thi và đạt thành tích, đơn cử như giải ba cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning cấp thành phố hay đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố, giáo viên chủ nhiệm giỏi... Cô Yến cho rằng, phải luôn cố gắng để làm được tất cả những gì mình có thể nhằm đóng góp cho nhà trường cũng như cho xã hội.

Không chỉ cô Sinh, cô Yến mà rất nhiều giáo viên khác của trường đã vượt qua những khó khăn riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều thầy cô giáo dù đã có bằng đại học nhưng vẫn tranh thủ thời gian học thêm bằng thạc sĩ như cô Thùy, thầy Dũng, cô Thảo...

Chồng là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà, mọi việc trong gia đình và chăm sóc hai con (một bé đang học lớp 2, một bé mới 23 tháng tuổi) đều do cô Trần Thị Minh Thùy quán xuyến nhưng cô vẫn thu xếp thời gian để học lên thạc sĩ Toán học, bởi như cô chia sẻ: “Mình còn trẻ thì tranh thủ học. Nhiều lúc cũng thấy bận rộn lắm nhưng vẫn cố gắng, nỗ lực để học thật tốt”.

Tháng nào Trường tiểu học Núi Thành cũng tổ chức đối thoại, giao lưu giữa các giáo viên theo chủ đề như: ứng xử như thế nào khi phụ huynh gây khó cho giáo viên, làm sao để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú...

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mục đích chính là để các thầy cô biết cách xử lý tình huống, hiểu được ý nghĩa của công việc, rèn cái tâm trong sáng của nhà giáo. Cũng theo cô Nguyệt, thời gian đầu triển khai mô hình “6T”, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn khi một số cán bộ, nhân viên cho rằng “có bằng đại học rồi mà học chi nữa”, hoặc “tận tâm với nghề là chuyện đương nhiên thì đăng ký làm chi”.

“Dẫu biết rằng đó là những việc lâu nay mọi người đã làm nhưng tôi muốn qua mô hình này nhóm lên ngọn lửa đam mê với nghề, lòng yêu thương, tận tâm với học trò trong mỗi giáo viên. Bởi ngọn lửa đó có thể bị bào mòn qua thời gian, sau những bộn bề, to toan trong cuộc sống”, cô Nguyệt bộc bạch.

Để làm nên hiệu quả của mô hình, nhà trường có sự động viên, khen thưởng kịp thời và làm cho giáo viên thấy được quyền lợi, phần thưởng sau những cố gắng của họ. Đơn cử như 1 triệu đồng nhà trường đã dành cho đội tuyển tham gia Hội khỏe phù đồng cấp quận (2016-2017) hay 18 cái cài áo dành cho 18 giáo viên đoạt giải cuộc thi “Thiết kế bài giảng E-learning cấp thành phố”...

“Phần thưởng tuy nhỏ nhưng là sự động viên lớn, đem lại niềm vui tinh thần để các thầy cô tiếp tục cố gắng, cống hiến và gắn bó với nghề”, cô Nguyệt nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.