Tập trung mọi nguồn lực cho năm học mới

.

Nhằm khắc phục những khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo thành phố gấp rút triển khai những công việc quan trọng nhằm chuẩn bị tốt nhất cho ngày khai giảng năm học mới diễn ra trong hơn 1 tuần nữa. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Vĩnh (ảnh), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về những giải pháp này. 

Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bàn ghế để tạo điều kiện cho học sinh học tốt. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ảnh: P.TRÀ
Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bàn ghế để tạo điều kiện cho học sinh học tốt. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ảnh: P.TRÀ

* Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến ngày khai giảng năm học mới, ông có thể cho biết những công việc chính của ngành?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh

- Thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ngày 23-8 vừa qua, ngành đã lên kế hoạch cụ thể, phối hợp với các sở, ngành liên quan và giao trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc rà soát những bất cập, có giải pháp khắc phục ngay những thiếu sót, đặc biệt là các vấn đề gắn sát với ngày tựu trường, khai giảng năm học mới.

Chúng tôi xác định đây là tuần lễ quan trọng, sẽ tập trung mọi nguồn lực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, để ngày khai giảng được diễn ra thật nhẹ nhàng, ấm áp, tạo động lực cho công tác dạy học, hoạt động của các đơn vị nhà trường.

Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại các địa phương, các nhà trường, chúng tôi cũng luôn quán triệt kỹ điều này và giao trách nhiệm cho thủ trưởng từng đơn vị.

* Vừa qua, có thông tin các cơ sở giáo dục ở Đà Nẵng thiếu bàn ghế, giáo viên và sách giáo khoa ở năm học mới 2018-2019. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?

-Đó là những thông tin chính xác. Tuy nhiên, vấn đề không diễn ra trên phương diện tổng thể mà chỉ nằm ở diện cục bộ.

Thứ nhất, tôi khẳng định, việc cung ứng sách giáo khoa là không thiếu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, kể cả sách giáo khoa lớp 1- lớp học mà năm học tới sẽ sử dụng theo chương trình mới.

Chúng tôi đã trao đổi với Giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam Chi nhánh tại Đà Nẵng và được xác nhận điều này. Nếu phụ huynh học sinh gặp khó khăn khi mua sắm tại các quầy sách thông thường thì vui lòng đến các quầy sách của Nhà xuất bản Giáo Dục,quầy sách của Công ty Phát hành sách và thiết bị trường học. Một vài trường hợp quá khó khăn sẽ dùng nguồn sách từ thư viện nhà trường.

Thứ hai, việc mua sắm bàn ghế có hai gói chủ yếu. Một là, mua sắm để thay thế bàn ghế hư hỏng, bàn ghế chưa đúng quy cách. Hai là, mua sắm bàn ghế cho các trường mới, cho các trường có học sinh tăng thêm.

Công tác mua sắm tập trung chậm vì năm 2018 phải theo quy trình thủ tục theo Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg  ngày 31-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ  và Công văn số 2850/BTC-QLCS ngày 14-3-2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách Nhà nước; trong đó yêu cầu một số hạng mục, vật dụng cần có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện đúng các quy trình, ngày 16-8-2018, UBND thành phố có các quyết định phê duyệt dự toán các gói thầu mua sắm bàn ghế và trang thiết bị cho các quận, huyện và Sở GD&ĐT.

Như vậy, đối với các trường thay thế bàn ghế mới, học sinh tạm thời sử dụng các bàn ghế cũ hiện tại. Đối với các trường mới thành lập, gói bàn ghế đi kèm sẽ được lắp đặt ngay. Đối với các trường có học sinh tăng thêm, sẽ linh hoạt mượn bàn ghế cũ hoặc bàn ghế chưa sử dụng từ các trường khác. Công việc này có khó khăn đôi chút nhưng đạt được mục đích là đáp ứng cho nhu cầu của học sinh.

Việc tuyển dụng giáo viên, năm nay, Sở Nội vụ cũng có chủ trương khác là không tổ chức thi đồng thời ở tất cả các địa phương và tiêu chuẩn đầu vào của giáo viên cao hơn, đặc biệt ở khối mầm non, tiểu học với mong muốn lựa chọn được giáo sinh giỏi.

Với khối các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên thì kết quả thi đã được công bố và giáo viên sẽ về nhận nhiệm sở trước ngày 30-8. Các đơn vị khác sẽ chậm hơn khoảng 10 ngày. Quan điểm chung là sau khi thi tuyển, nếu vẫn còn thiếu giáo viên, các đơn vị sẽ hợp đồng thêm giáo viên trong nguồn chỉ tiêu giao để tổ chức giảng dạy.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh luôn được ngành giáo dục chú trọng.  Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Lý Công Uẩn  (quận Hải Châu) xếp hàng vào lớp. Ảnh: P. Trà
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh luôn được ngành giáo dục chú trọng. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu) xếp hàng vào lớp. Ảnh: P. Trà

* Chủ trương của ngành GD&ĐT thành phố trong việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới này là gì, thưa ông?

-Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 2294/SGDĐT-VP ngày 13-8-2018 về việc hướng dẫn khai giảng năm học 2018-2019. Lễ khai giảng phải được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, tươi vui, an toàn và lịch thiệp; lễ chỉ diễn ra trong thời gian 45 phút, sau đó vào học ngay.

Năm học này, nhằm tạo không khí thật tự nhiên, thân thiện, lãnh đạo thành phố có chủ trương không dự lễ khai giảng tại các đơn vị trường học mà sẽ gửi tặng lẵng hoa chúc mừng.

Các đơn vị, trường học tổ chức cho giáo viên, học sinh tham gia lao động vệ sinh trường, lớp; làm đẹp cảnh quan nhà trường; tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nhà trường; tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các căng-tin, bếp ăn trường học; triển khai thực hiện tốt Tháng An toàn giao thông và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

*Ông cho biết những điểm mới, những chủ trương lớn của ngành ở năm học 2018-2019.

- Trong năm học này, ngành tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án quy hoạch phát triển ngành GD&ĐT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Về giáo dục mầm non, sẽ tăng cường các điều kiện về trường, lớp; cơ sở vật chất; nhân sự tại các đơn vị thực hiện thí điểm thu nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi, ưu tiên nhận giữ trẻ có cả cha, mẹ là công nhân và người lao động có thu nhập thấp; đồng thời, tăng tỷ lệ huy động trẻ từ 6-18 tháng tuổi ra lớp tại các trường mầm non công lập; 100% các đơn vị, trường học xây dựng “Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; thực hiện chương trình “Sữa học đường” toàn thành phố.

Về giáo dục phổ thông, toàn ngành huy động 100% trẻ 6 tuổi ra lớp; trẻ 11 tuổi ra lớp. Giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng học tập của học sinh các cấp, phấn đấu tăng giải học sinh năng khiếu và học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thực hiện đồng bộ và kết nối các đề án, dự án đã được phê duyệt. Đẩy mạnh đề án dạy và học ngoại ngữ, công nhận điểm 10 đối với kết quả các chứng chỉ quốc tế trong kỳ thi tuyển sinh 10 THPT. Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1 ở năm học 2019-2020.

Về giáo dục thường xuyên-đại học, ngành tiếp tục triển khai Quyết định số 6685/QĐ-UBND ngày 30-9-2013 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở và phổ cập bậc trung học; đẩy mạnh liên kết quốc tế trong giảng dạy đại học.

*Xin cảm ơn ông!

THẢO NHI thực hiện

;
.
.
.
.
.
.