Thời gian qua, phương pháp dạy STEM (viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học) - một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế) đã đưa vào một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố và đạt được những tín hiệu khả quan, đặc biệt giành được giải thưởng tại cuộc thi Khoa học ứng dụng trong nước và quốc tế.
Nhóm 5 học sinh Trường tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng) đã giành được giải “hợp tác thiết kế tốt tại cuộc thi”. (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Từ chuyện được vinh danh trên đất Mỹ...
Cuối tháng 4-2019, vượt qua hơn 60 đội tuyển của nhiều quốc gia, nhóm 5 học sinh Trường tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng) đã giành được giải “hợp tác thiết kế tốt tại cuộc thi”. Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng cho hay, trước đó, ngay từ đầu năm học 2018-2019, CLB Robotics của trường đã tổ chức tuyển chọn các học sinh xuất sắc, thích khám phá, nghiên cứu khoa học, lắp ghép logo và đặc biệt có kỹ năng trình bày và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh đang tham gia học Stem Robotics tại trường. Sau đó, trường tiến hành bồi dưỡng ôn luyện để các em tham gia cuộc thi Khoa học ứng dụng FLL-First Lego League lần 2 năm 2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 1-2019. Với giải vô địch tại cuộc thi này, đội của Trường tiểu học Phù Đổng đại diện cho khu vực miền Trung tham gia cuộc thi khoa học ứng dụng cấp quốc tế tại Mỹ vào tháng 4 vừa qua.
Chủ đề của cuộc thi First Lego League Championship tại Mỹ có tên gọi là Mission Moon (tạm dịch là nhiệm vụ mặt trăng). Nhiệm vụ của các đội là giải quyết các vấn đề khi con người sinh sống trên mặt trăng. Theo đó, các em dùng mô hình của Lego để thiết kế và lập trình mô hình, thuyết trình bằng tiếng Anh trước ban giám khảo về các vấn đề trên mặt trăng như: làm sao có nguồn nước để uống, làm sao để có năng lượng sử dụng, làm sao để sử dụng năng lượng vào ban đêm...
Kể về cuộc thi, Nguyễn Hà Đăng Thi (học sinh lớp 5/7), thành viên đội Trường tiểu học Phù Đổng cho biết, cuộc thi thể hiện tinh thần đồng đội rất cao, hơn nữa khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh, tự tin trả lời của cả nhóm cũng tạo được ấn tượng đối với ban giám khảo. “Chúng em khá hồi hộp vì khi đã lọt vào chung kết thì các đội thi đến từ nhiều quốc gia đều có những ý tưởng và mô hình đẹp. Song đây cũng là cơ hội để chúng em giao lưu, học hỏi và tự tin, năng động hơn”, Nguyễn Hà Đăng Thi chia sẻ.
Nghĩ về STEM trong thời đại 4.0
Tại Đà Nẵng, việc triển khai giáo dục STEM trong trường tiểu học đã diễn ra từ năm 2012 thông qua hình thức xã hội hóa. Nhưng chỉ trong 2 năm gần đây, phong trào STEM mới từng bước phát triển, đặc biệt từ khi các cuộc thi khoa học ứng dụng như FLL (First Lego League), WRO (Word Robot Oplympiad) do tập đoàn LEGO tổ chức phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.
Ông Trương Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm giáo dục STEM SQUARE, người trực tiếp huấn luyện nhóm học sinh Trường tiểu học Phù Đổng đi thi quốc tế chia sẻ, bản chất giáo dục STEM là sự kết hợp các kỹ năng cần thiết liên quan đến nhiều lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) để người học có thể vận hành và giải quyết các vấn đề được tốt hơn. Triển khai chương trình giáo dục STEM là xu hướng phát triển giáo dục hiện đại, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, không chỉ đợi đến các bậc học cao, mà có thể áp dụng ở tất cả các bậc học.
Tuy nhiên, với nhiều năm nghiên cứu về giáo dục theo phương pháp STEM, ông Trương Quốc Tuấn cho rằng việc áp dụng STEM ở các bậc học mầm non, tiểu học ở hệ thống trường công lập còn hạn chế vì nhiều lý do, trong đó có nhận thức và năng lực thực hành của đội ngũ giáo viên. “Các trường tiểu học hiện nay chỉ mới áp dụng chương trình STEM cho học sinh dưới dạng câu lạc bộ ngoại khóa nên tính hiệu quả không được cao, không thể nhân rộng đại trà cho tất cả học sinh được học về STEM”, ông Tuấn nói.
Về việc triển khai STEM trong trường tiểu học, bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Tiểu học- Sở Giáo dục và Đào tạo, thừa nhận có những khó khăn nhất định. Hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức chương trình học STEM Robotics ở câu lạc bộ ngoại khóa và bằng hình thức xã hội hóa (phụ huynh trả kinh phí). Những em học sinh yêu thích sẽ tự nguyện tham gia, có sự đồng ý của phụ huynh.
“Chúng tôi khuyến khích các trường triển khai STEM Robotics để phát triển khả năng tư duy, sáng tạo và thực hành của học sinh. Đây có thể là bước đi ban đầu và trong tương lai STEM sẽ được đẩy mạnh đồng bộ ở tất cả các môn học để khơi gợi niềm đam mê, nhiệt tình đổi mới phương pháp giảng dạy ở các thầy cô và hứng thú trải nghiệm, say sưa nghiên cứu khoa học ở các em học sinh”, bà Cẩm Bình nói.
LÊ PHẠM