Đó là xác nhận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, chủ trì hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi do Bộ GD-ĐT tổ chức tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, sáng 17-7.
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các ý kiến tại hội nghị thống nhất cho rằng kỳ thi được tổ chức đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc; có sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ GD-ĐT, sự phối hợp nhịp nhàng của các Sở GD-ĐT với các trường đại học, cao đẳng.
Năm nay, kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%, không lệch nhiều so với những năm trước. Phân tích sâu phổ điểm của các tỉnh cho thấy kết quả thi đã phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương. Đây là cơ sở để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng, thông tin bổ sung về chất lượng giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng nên thay đổi cơ cấu xét tốt nghiệp THPT là 50-50 như trước đây thay vì 30-70 như hiện nay. Bởi, nếu kết quả học 3 năm THPT chỉ tham gia 30% trong việc xét tốt nghiệp THPT, các trường sẽ dành nhiều thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh thay vì chú tâm để học sinh được rèn luyện các kỹ năng khác, khó hướng đến mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện năng lực học sinh. Các ý kiến cũng đề xuất Bộ GD-ĐT sớm công bố phương thức tuyển sinh từ năm 2021 để xã hội, người học và các trường có sự chủ động.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xác nhận phương thức thi và tuyển sinh hiện nay sẽ ổn định trong 3 năm, tức là đến năm 2020. Theo đó, bộ sẽ sớm công bố phương thức thi và tuyển sinh năm 2021. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là các trường đại học, cao đẳng hiện nay là công tác tuyển sinh. Các trường cần nghiên cứu so sánh chất lượng quá trình học tập, tốt nghiệp, việc làm... của các sinh viên vào học theo các phương thức tuyển sinh khác nhau để có phương án chủ động tuyển sinh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. “Đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc quy định, bảo đảm chất lượng ngay khâu đầu vào, trung thực với thông tin, chương trình đào tạo, cam kết về đầu ra...”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Các trường cần đẩy mạnh truyền thông về công tác tuyển sinh
Bộ GD-ĐT đề nghị các trường đăng tải đầy đủ thông tin và trực tiếp giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đặc biệt từ ngày 22 - 31-7 khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, chịu trách nhiệm giải trình về việc thực hiện quy chế tuyển sinh. Chú ý các mốc thời gian quan trọng:
18-7-2019: Cập nhật danh sách trúng tuyển theo hình thức xét tuyển thẳng, thông báo tới thí sinh (qua các Sở GD-ĐT).
21-7: Công bố ngưỡng xét tuyển.
22-7: Công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
22 - 31-7: Thí sinh thay đổi nguyện vọng.
24-7: Báo cáo kết quả xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
6 đến 8-8: Xét tuyển và lọc ảo.
9-8: Công bố kết quả xét tuyển (đợt 1).
|
NGỌC HÀ