Việc dạy và học khởi nghiệp trong nhà trường đang ngày càng sát với thực tế, giúp sinh viên có nền tảng cơ bản cho con đường sự nghiệp sau này.
Một buổi học về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh. (Ảnh do đơn vị cung cấp) |
Tôi từng có dịp trò chuyện với một doanh nhân thường được mời làm giám khảo cho các cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên tại Đà Nẵng. Anh bảo nếu “bê nguyên xi” các dự án của sinh viên, thậm chí cả những dự án đạt giải ra triển khai ngoài thực tế thì gần như chắc chắn... thất bại.
“Giám khảo chấm giải cao vì ý tưởng sáng tạo, nhóm làm việc tận tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng, kỹ năng thuyết trình tốt. Còn để tìm ra được một dự án thực sự khả thi thì... đỏ mắt”, anh tâm sự.
Trên thực tế, nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên giành giải cao ở các cuộc thi rồi... chấm hết. Có rất nhiều lý do để các dự án không được tiếp tục ươm mầm như: sinh viên năm cuối bận làm đồ án tốt nghiệp nên không có thời gian, các thành viên trong nhóm có những kế hoạch tương lai khác nhau, thiếu vốn, không có người hướng dẫn…
Khảo sát vào tháng 4-2019 của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cho thấy, khoảng 90% thanh niên (trong và ngoài các trường đại học, cao đẳng) có mong muốn khởi nghiệp, đóng góp giá trị cho xã hội. Song đa phần chưa sẵn sàng kiến thức, kỹ năng để thực sự khởi nghiệp.
PGS.TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, các trường đại học ở Đà Nẵng hiện nay đang bắt đầu liên kết với các cố vấn (thường là những doanh nhân, chuyên gia khởi nghiệp) để đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Song vẫn còn một yếu tố quan trọng chưa được chú trọng là tinh thần doanh nhân. PGS.TS Huy nói: “Ở Israel hay Ireland, tinh thần doanh nhân đã được đào tạo từ độ tuổi 15-18. Đây là lúc các em chính thức học về đổi mới, sáng tạo, chấp nhận rủi ro. Phải có nền tảng này mới học tiếp các kiến thức khởi nghiệp”.
Hiện Trường Đại học Kinh tế đang triển khai chương trình “ECO Fest- Ươm mầm khát vọng khởi nghiệp” dành cho học sinh THPT trên toàn địa bàn thành phố. Tham gia chương trình, học sinh được làm quen với khởi nghiệp, xây dựng những ý tưởng sơ khai. Những học sinh có tiềm năng và lòng yêu thích khởi nghiệp sẽ được chọn để tiếp tục đào tạo. PGS.TS Huy nhấn mạnh: “Trong giáo dục khởi nghiệp, mục tiêu đầu tiên không phải là truyền thụ kiến thức mà là thay đổi thái độ”.
TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện phó phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) xác định: “Vai trò của nhà trường trong việc giáo dục khởi nghiệp không phải là thúc đẩy sinh viên hình thành doanh nghiệp ngay khi còn đi học. Nhiệm vụ của chúng tôi là thúc đẩy tinh thần nghề nghiệp, phát triển kiến thức và kỹ năng giải quyết các vấn đề, xây dựng tư duy cho sinh viên”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Duy Nghiêm, Giám đốc Đại học Greenwich - Cơ sở Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm: “Không chỉ mời doanh nghiệp về trò chuyện với sinh viên mà nhà trường cũng cần tạo điều kiện để các giảng viên giao lưu, trao đổi chuyên sâu với doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều khóa học miễn phí về tinh thần, tư duy khởi nghiệp tại các trang web đào tạo trực tuyến lớn. Các khóa học này đều do những trường đại học danh tiếng của thế giới xây dựng. Các trường ở Đà Nẵng có thể tìm hiểu, lựa chọn các khóa học phù hợp để đưa vào chương trình dạy cho sinh viên”.
Các cuộc thi khởi nghiệp trong trường đại học, cao đẳng hiện cũng đang dần được “cải tiến” theo hướng vừa đào tạo, vừa thi qua nhiều vòng thay vì chỉ tổ chức 2-3 vòng thi rồi chấm dứt. Nhờ vậy, sinh viên khi bước ra khỏi cuộc thi cũng gom góp được cho bản thân những bài học bổ ích cho sự nghiệp sau này.
Nguyễn Quốc Thái (sinh viên Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế-ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, tôi học được thói quen làm việc hiệu quả của đồng đội, có kỹ năng lên kế hoạch hợp lý, làm việc dưới áp lực thời gian, thuyết trình tự tin. Theo đó, phần thưởng quý nhất mà tôi có được sau các cuộc thi chính là tinh thần sẵn sàng đón nhận mọi thay đổi - một trong những tư duy cốt lõi của những nhà khởi nghiệp”.
PHONG LAN