Kỳ vọng năm học mới

.

Hôm nay, hơn 260.000 học sinh của các cấp trên toàn thành phố Đà Nẵng bước vào năm học mới 2019-2020, tăng gần 6.000 học sinh so với năm học trước; trong đó, riêng bậc tiểu học tăng gần 3.000 học sinh, bậc THPT tăng hơn 2.000 học sinh.

Đà Nẵng hiện có 207 trường mầm non (tăng 2 trường), 101 trường tiểu học, 60 trường THCS (tăng 1 trường), 32 trường THPT và trường nhiều cấp học; 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh, phụ huynh và giáo viên đặt nhiều kỳ vọng trước năm học mới.

Giáo viên Trường tiểu học Phù Đổng gặp gỡ học sinh khối 1 trước thềm năm học mới. Ảnh: NGỌC PHÚ
Giáo viên Trường tiểu học Phù Đổng gặp gỡ học sinh khối 1 trước thềm năm học mới. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu: Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đòi hỏi nhiều yếu tố. Bên cạnh cơ sở vật chất đầy đủ, yếu tố có tính then chốt là đội ngũ giáo viên phải tâm huyết, bảo đảm trình độ chuyên môn, sư phạm. Mỗi giáo viên cần làm mới mình trong việc thay đổi, tìm tòi trong cách thức dạy học, phù hợp với bộ môn giảng dạy để học sinh thích thú với bài giảng của cô.

Thứ nữa, đối với đội ngũ quản lý, phải là người dám đổi mới trong công tác quản lý, suy nghĩ sáng tạo các mô hình mới để thầy trò trong nhà trường cùng nhau áp dụng, vận hành. Điển hình như mô hình mới trong giảng dạy, trong giáo dục kỹ năng hoặc trong giáo dục trải nghiệm. Điều này tạo nên sự giáo dục toàn diện trong giáo dục học sinh...

Ông Phạm Ngọc Tấn Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám: Tạo mọi điều kiện để học sinh phát huy tối đa khả năng của bản thân

Năm học 2019-2020, nhà trường tạo mọi điều kiện để học sinh có thể phát huy tối đa năng lực bản thân. Để thực hiện được yêu cầu này, đội ngũ giáo viên phải tận tâm, yêu thương học sinh, đánh giá công bằng và khách quan. Tuy nhiên, học sinh cũng ý thực được trách nhiệm của bản thân với nhà trường, gia đình và quê hương; biết tôn trọng, quan tâm, chia sẻ đối với bạn bè. Đặc biệt, gia đình cùng cộng đồng trách nhiệm với nhà trường để hoàn thiện tri thức và nhân cách của học sinh…

Anh Võ Chí Trung, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Trần Văn Dư, quận Cẩm Lệ: Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng cho học sinh

Năm học 2019-2020, thành phố cũng như địa phương đầu tư cơ sở vật chất rất tốt, tạo thuận lợi cho việc dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, thời gian qua, việc học tập của học sinh vẫn còn rất nặng nề, nên mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giảm tải chương trình học cho các em học sinh. Hiện nay, học sinh rất sợ học. Mỗi sáng thức dậy là mang nỗi sợ hãi: Sợ đến trường.

Điều này cho thấy áp lực học tập quá lớn. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh chương trình ngoại khóa như đi tham quan các bảo tàng, các di tích lịch sử, khu sinh thái để giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử, văn hóa địa phương. Đặc biệt, đẩy mạnh việc dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NGỌC PHÚ
Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trần Thị Kim Quỳnh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương, huyện Hòa Vang: Cần quan tâm học sinh, giáo viên miền núi

Học sinh miền núi, dù hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tuy nhiên, các em vẫn thiệt thòi hơn nhiều so với học sinh ở trung tâm đô thị. Do đó, tôi mong tiếp tục có những thay đổi phù hợp với học sinh; phải có những chương trình để học sinh, giáo viên tiếp cận được công nghệ mới, áp dụng tốt vào việc dạy và học. Về chính sách giáo viên, tôi rất mong muốn các ngành, các cấp quan tâm, tạo điều kiện để cho những giáo viên miền núi yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.

Cao Thị Liêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê): Chú trọng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh

Năm học 2019-2020, ngoài việc đẩy mạnh giáo dục toàn diện, nhà trường chú trọng đến việc giúp dục ý thức học sinh về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung phong trào “phòng, chống rác thải nựa”. Nhà trường sẽ giáo dục học sinh bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ như không dùng bao ni-lông để bao sách vở, tiến hành chăm sóc cây xanh, vệ sinh trường lớp, ý thức tiết kiệm năng lượng như điện và nước.

Đặc biệt, chú trọng ý tưởng tái chế rác thải thành các đồ dùng học tập, bình hoa trang trí… Cùng với việc lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường trong các bài giảng, giáo viên cần làm gương cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường, khuyến khích học sinh tự giám sát việc bảo vệ môi trường của nhau, từ đó nhắc nhở, tuyên dương kịp thời các hành vi, hoạt động thân thiện với môi trường.

Em Bùi Thị Khánh Huyền, học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, huyện Hòa Vang: Mong được học các kỹ năng sống

Em là học sinh đồng bào dân tộc Cơtu, vừa bước vào đầu cấp THCS. Ở bậc tiểu học, em đã cảm thấy rất áp lực, đặc biệt là ở hai năm cuối cấp. Vì vậy, khi bước vào học lớp 6, em mong muốn nhà trường có sự thay đổi trong cách dạy và học, trong đó giảm tải việc học ở trường, hạn chế ra bài tập nhiều cho học sinh ở nhà. Em mong thầy cô giáo tạo ra các sân chơi cho học sinh, đẩy mạnh các tiết học ngoại khóa, tiến hành dạy kỹ năng sống cho học sinh để xử lý tốt các tình huống phát sinh ngoài xã hội.

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.