Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Bích Thuận (ảnh) cho biết, nhiệm vụ của năm học mới 2019-2020 rất nặng nề. Ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học, còn chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ; đặc biệt, vừa phải làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh nắm bắt thông tin và đồng hành với ngành trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào tháng 9-2020 và những năm tiếp theo.
* Mạng lưới trường học, tỷ lệ huy động học sinh đến trường trong năm học 2019-2020 như thế nào, thưa bà?
- Mạng lưới trường lớp năm học 2019-2020 tiếp tục phát triển theo cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học theo Đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.
Về tỷ lệ huy động, có 43,5% cháu 0-2 tuổi ra nhà trẻ, trong đó tỷ lệ ngoài công lập chiếm 85%, có 99,7% cháu 3-5 tuổi ra mẫu giáo, tỷ lệ ngoài công lập chiếm 54%.
Huy động 100% cháu trong độ tuổi học tiểu học, trong đó tỷ lệ ngoài công lập chiếm 2,2%. Huy động 99,9% trong độ tuổi 11-14 học THCS, trong đó tỷ lệ học ngoài công lập chiếm 0,7%. Huy động 85% trong độ tuổi 15-17 học THPT hoặc bổ túc THPT, trong đó, tỷ lệ học ngoài công lập chiếm 12% (tăng 2%).
Về quy mô học sinh, nhà trẻ, có 15.165 trẻ (tăng so với năm trước 115 trẻ). Mẫu giáo có 50.255 trẻ (giảm so với năm trước 458 trẻ), trong đó, huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. Đối với bậc tiểu học có 98.160 học sinh (tăng so với năm học trước 2.902 học sinh (HS). THCS có 64.005 học sinh (tăng 760 HS). THPT có 32.945 học sinh (tăng 2.142 HS). Bổ túc THPT có 2.100 học sinh (tăng 149 học sinh so với năm học trước).
* Tình hình cơ sở vật chất năm học mới của các trường học trên địa bàn đến nay như thế nào?
- Trong năm 2019, ngành GD-ĐT được giao kế hoạch vốn 467,69 tỷ đồng; trong đó dự án mới 461,12 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư 6,57 tỷ đồng. Số dự án đã hoàn thành 24, dự án chuyển tiếp từ năm 2018 sang là 10 dự án, có 41 dự án triển khai mới trong năm 2019. Đến nay, toàn thành phố đã triển khai xây dựng được 39 công trình.
Qua kiểm tra của sở vào cuối tháng 8-2019, nhiều công trình phục vụ cho năm học mới cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu trước ngày khai giảng. Cụ thể, đối với các công trình sửa chữa nhỏ, hoàn thành trước ngày 31-8; các công trình còn lại (xây mới khối phòng học, khu hiệu bộ hoặc xây lại toàn bộ trường) được các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành theo tiến độ trước ngày 31-12-2019. Công trình phục vụ cho Đề án tiếp nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi giai đoạn 2019-2020 đang triển khai, một số trường đã hoàn thành để đón trẻ sau ngày 15-9.
Học sinh lớp 1 tập trung vào Trường tiểu học Phù Đổng. |
Về công tác mua sắm trang thiết bị dạy học được triển khai theo đúng tiến độ kịp thời phục vụ năm học như: Trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị giảng dạy và thư viện Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thiết bị và thi công lắp đặt thiết bị thuộc Dự án thiết lập trung tâm dữ liệu của ngành GD-ĐT thuộc Kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành GD-ĐT tại thành phố Đà Nẵng; mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học cho năm học mới đối với các trường như máy tính, đèn chiếu, máy in, thiết bị phòng bộ môn, bàn ghế... Về thực hiện Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020, Sở GD-ĐT đã triển khai các thủ tục theo trình tự; ngày uống sữa đầu tiên của trẻ là ngày 5-9-2019.
* Như mọi năm, cứ đến năm học mới, ngành GD-ĐT rất lo ngại vấn đề thiếu giáo viên, sách giáo khoa phục vụ cho học sinh?
- Thực hiện Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm học 2019-2020 đã được phê duyệt, Sở GD-ĐT đã hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển giáo viên. Số giáo viên trúng tuyển là 77 người. Sở bố trí giáo viên mới tuyển dụng đến nhận công tác tại các đơn vị, trường học từ ngày 29-8 và thực hiện việc tiếp nhận giáo viên ngoại tỉnh theo quy định.
Đối với các quận, huyện đã tổ chức thi tuyển giáo viên của các bậc học và bố trí giáo viên trúng tuyển về các trường trước ngày 3-9. Theo phản ánh của các phòng GD-ĐT, việc tuyển giáo viên không đủ chỉ tiêu do thiếu nguồn dự tuyển, cộng thêm việc tăng học sinh nên một số địa phương thiếu giáo viên ở bậc tiểu học và mầm non. Theo chỉ đạo của thành phố, nếu chưa đủ số lượng giáo viên so với chỉ tiêu tuyển, các trường có thể hợp đồng và tiếp tục tổ chức thi tuyển để bảo đảm số lượng giáo viên theo quy định cho năm học 2019-2020.
Đối với sách giáo khoa, thiết bị đồ dùng dạy học cho học sinh trong năm học mới 2019-2020, căn cứ số liệu thống kê về số lượng học sinh, đặc biệt là số lượng học sinh đầu cấp, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công ty Sách và Thiết bị trường học trong việc chuẩn bị nguồn sách giáo khoa, trang thiết bị, dụng cụ học tập cho học sinh chuẩn bị vào năm học mới; chuẩn bị phương án dự phòng. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, Công ty Sách và Thiết bị trường học, các cửa hàng, nhà sách... bảo đảm được số lượng sách giáo khoa, trang thiết bị, dụng cụ học tập phục vụ nhu cầu học sinh thành phố.
* Những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2019-2020 mà ngành GD-ĐT thành phố sẽ triển khai thực hiện?
- Trong năm học mới, ngành tập trung nâng cao chất lượng dạy học của các bậc học (từ mầm non đến THPT), thực hiện chương trình giáo dục theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT; có kế hoạch chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2020-2021 (đối với lớp 1) và có kế hoạch cho những năm tiếp theo ở các khối lớp được quy định.
Về nhiệm vụ cụ thể, ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020; khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, trong đó tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD-ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Cụ thể từng ngành: Đối với giáo dục mầm non, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước đối với giáo dục mầm non; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Trường tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu chào đón học sinh khối lớp 1 - năm học 2019-2020. |
Đối với giáo dục phổ thông, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đối với giáo dục thường xuyên, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Trăn trở của ngành là mặc dù việc xây dựng trường lớp luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư, tuy nhiên số lượng học sinh tiểu học tăng nên vẫn chưa thể bảo đảm đủ để 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Nhiệm vụ năm học 2019-2020 đòi hỏi nỗ lực rất nhiều của ngành, bởi đây là năm học vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ, vừa làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh nắm bắt thông tin và đồng hành với ngành trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào tháng 9-2020 và những năm tiếp theo.
* Xin cảm ơn bà!
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu: Nhân rộng cách làm hay trong giáo dục tại các trường Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường chuẩn bị cho năm học mới bảo đảm ổn định; lực lượng giáo viên bố trí, sắp xếp hợp lý cho các trường học. Trong năm học 2019-2020, UBND quận Liên Chiểu tiếp tục chỉ đạo ngành GD-ĐT quận triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của ngành, thành phố về việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; trong đó, chú trọng dạy kỹ năng cho học sinh; nhân rộng các điển hình, mô hình, cách làm hay trong giáo dục tại các trường... Ông Lại Tiếng Hương, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê: Sẵn sàng cho năm học mới Nhằm chuẩn bị tốt cho năm học mới, thời gian qua, lãnh đạo ngành đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị tại các trường, nhìn chung bảo đảm ổn định, sẵn sàng cho năm học mới. Ngành GD-ĐT quận cũng đã phối hợp với Phòng Y tế phun thuốc khử trùng, diệt muỗi tại các trường học. Riêng vấn đề giáo viên, ngày 29-8, UBND quận Thanh Khê đã có quyết định bố trí giáo viên về các trường để thực hiện nhiệm vụ. Trong năm học mới, ngành GD-ĐT quận Thanh Khê kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thành công trong việc dạy và học. Ông Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang): Bố trí sớm giáo viên để thích ứng tốt hơn với nhiệm vụ Năm học mới, chúng tôi đặt ra và quyết tâm thực hiện tốt nhiều kỳ vọng, mục tiêu dạy và học, đến nay tất cả đã sẵn sàng. Nhà trường cũng đề nghị các cấp trong thời gian đến cần có những chế độ, khuyến khích ưu tiên đối với giáo viên khu vực miền núi, gắn với trách nhiệm. Hằng năm, nên bố trí sớm giáo viên về trường để nhà trường phân công nhiệm vụ, kịp thời nắm bắt, làm quen với học sinh, phục vụ tốt cho việc giảng dạy; mong muốn thời gian đến sẽ có một ngôi trường khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất, có phòng làm việc chức năng, khu vui chơi cho học sinh, nhà đa năng để bảo đảm cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh ngày một tốt hơn. Bà Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu): “Năm học của sự tử tế” Năm học 2019-2020, Trường tiểu học Phù Đổng với 60 lớp, hơn 2.000 học sinh học tại 2 cơ sở 34 Yên Bái và 139 Lê Lợi; cơ sở vật chất bảo đảm cho 100% học sinh học hai buổi/ngày. Trong năm học này, nhà trường sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của năm; xây dựng môi trường giáo dục “Dân chủ - kỷ cương - sáng tạo - an toàn - thân thiện - hiện đại”, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới căn bản giáo dục. Đặc biệt, trong năm học này, cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh toàn trường quyết tâm thực hiện “Năm học của sự tử tế” - sẽ là một năm ghi dấu những khoảnh khắc tử tế trong từng suy nghĩ, hành động nhỏ của thầy cô, học sinh và phụ huynh. |
NGỌC PHÚ thực hiện