Bảo Thư và dự án bảo vệ động vật hoang dã

.

Yêu thiên nhiên và mong muốn tham gia hoạt động cứu hộ động vật hoang dã, Trần Phước Bảo Thư, sinh viên (SV) khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) xuất sắc đoạt giải nhì cuộc thi “Kiến trúc xanh SV Việt Nam 2019” (gọi tắt là cuộc thi) với dự án “Trung tâm chăm sóc thú nuôi và cứu trợ động vật hoang dã ở phía tây Bà Nà”.

Trần Phước Bảo Thư với niềm đam mê kiến trúc xanh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trần Phước Bảo Thư với niềm đam mê kiến trúc xanh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bảo Thư cho hay rất thích nghiên cứu về động vật nên khi nhận thấy tình trạng suy giảm và ngược đãi động vật hoang dã ở Việt Nam ngày càng gia tăng đến mức báo động, Thư suy nghĩ làm thế nào để có thể đưa ra một công trình kiến trúc xanh vừa thuận tiện, khoa học và tiết kiệm để cứu hộ, bảo vệ động vật hoang dã. Sau khi tham khảo ý kiến của thầy cô trong khoa, Thư đã mạnh dạn lựa chọn và nghiên cứu đề tài về chăm sóc thú nuôi và cứu trợ động vật hoang dã ở phía tây Bà Nà.

Dự án cứu hộ động vật hoang dã được xây dựng bằng hệ thống kiến trúc mở với trang bị đầy đủ, tiện lợi, gồm có khu hành chính triển lãm và khu thú nuôi. Trong đó, khu thú nuôi sẽ có bệnh viện, sân chơi cho thú, khu nghiên cứu bán hoang dã, nơi lưu trú của các chuyên gia. Với dự án này, Bảo Thư đặc biệt gây ấn tượng tại cuộc thi “Kiến trúc xanh SV Việt Nam 2019” và được hội đồng giám khảo đánh giá cao, bởi ý tưởng tiếp cận công tác bảo vệ động vật, hình dáng công trình bắt mắt, thiết kế kiến trúc mềm mại hài hòa với thiên nhiên. Những vật liệu được lựa chọn xây dựng công trình thân thiện với môi trường.

Trong quá trình thực hiện ý tưởng, Thư gặp không ít những khó khăn: “Suốt 6 tháng nghiên cứu về mô hình này, tôi phải suy nghĩ đến những khó khăn tồn tại và cố gắng hạn chế nó đến mức thấp nhất. Trở ngại lớn nhất là địa điểm xây dựng. Vì đồ án là công trình kết hợp công năng của bệnh viện thú y và khu bảo tồn động vật, nên phải dễ dàng tiếp cận cho chủ vật nuôi nhưng cũng phải thuận lợi cho công tác cứu hộ và nuôi giữ động vật hoang dã”.

Theo Bảo Thư, một trong những yêu cầu thiết yếu của công trình là phải nằm ở địa điểm thuận lợi, thu hút sự chú ý của cộng đồng nhằm tuyên truyền vấn đề bảo tồn động vật. Thứ hai là xây dựng mà không phá hủy hệ sinh thái vốn có của rừng, giải quyết chất thải, mùi hôi, tiếng ồn của một trung tâm nuôi giữ động vật… Từ đây, Thư hy vọng nó sẽ là “mái nhà” an toàn cho các loài động vật trước sự đe dọa từ thiên nhiên và từ chính con người.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Kiến trúc, người trực tiếp hướng dẫn Thư, cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi Thư chọn đề tài về bảo vệ động vật hoang dã để tham dự cuộc thi. Đây là một đề tài hiếm SV nào lựa chọn vì rất khó trong việc giải quyết những hạn chế liên quan. Tuy nhiên với sự nhiệt huyết và tài năng của mình, Thư đã chinh phục được Hội đồng Giám khảo với giải nhì chung cuộc”.

Theo thầy Tuấn, thành tích của Thư là niềm vui của khoa Kiến trúc nói riêng, của Trường Đại học Bách khoa nói chung. Qua đó, thầy Tuấn cũng mong muốn các bạn SV luôn có những ý tưởng mới, mạnh dạn đề xuất những công trình nghiên cứu giúp ích cho cộng đồng nhiều hơn nữa.

Trước đây, cô SV đam mê kiến trúc này đã tham gia nhiều cuộc thi với nhiều ý tưởng bổ ích và giành giải nhất đề tài Nghiên cứu khoa học cấp khoa, giải nhất “Ý tưởng trang trí hoa và điện chiếu sáng Tết 2019” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức, giải ba cuộc thi “Nhà thiết kế trẻ châu Á - AYDA 2018”…

Cuộc thi “Kiến trúc xanh Sinh viên Việt Nam 2019” diễn ra vào tháng 9-2019, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Kiến trúc Xanh Việt Nam 2019 và tích cực hưởng ứng “Tuyên ngôn Kiến trúc Xanh” của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Cuộc thi đã thu hút hơn 100 đồ án được lựa chọn từ các trường đại học có đào tạo chuyên ngành Kiến trúc trên toàn quốc. Đây là sân chơi khích lệ các kiến trúc sư trẻ và SV kiến trúc trên cả nước không ngừng sáng tạo những công trình kiến trúc xanh, đóng góp tích cực cho xã hội, thể hiện trách nhiệm với môi trường và sự phát triển bền vững…

HUYỀN TRÂM

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.