Trong thời tiết khắc nghiệt, không bật điều hòa, phải đeo khẩu trang, mặt nạ chống giọt trang bị như thì liệu học sinh có tiếp thu bài hiệu quả. Các quy định, khuyến cáo có nên được thực hiện máy móc?
Học sinh thực hiện sát khuẩn tay trước khi vào trường học. (Ảnh: TTXVN) |
Học sinh quay trở lại trường học, giáo viên vừa dạy học vừa làm công tác y tế phòng dịch. Phụ huynh cũng phải sắp xếp theo lịch học giãn cách của các con và phối hợp với nhà trường thực hiện những quy định phòng dịch. Có những quy định được phụ huynh hưởng ứng, nhưng cũng có những quy định khiến phụ huynh còn nhiều băn khoăn.
Lịch học chia nhỏ lớp
Học sinh ở 63 tỉnh, thành trong cả nước đã trở lại trường sau thời gian dài nghỉ phòng dịch Covid-19. Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước dịch bệnh, nhiều trường đã áp dụng những biện pháp phân luồng lối đi cho học sinh, đeo mặt nạ chống giọt bắn cũng như hướng dẫn học sinh đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách…
Các trường học cũng áp dụng nhiều biện pháp giãn cách học sinh như chia nhỏ lớp, giờ ra chơi các em giải lao tại chỗ chứ không ùa ra sân trường như trước đây, bố trí học và ra về lệch giờ. Nhiều trường không tổ chức học bán trú, bố trí chia lớp một tuần học 3 buổi trên lớp và 3 buổi học trực tuyến. Để thích nghi với lịch học mới này, phụ huynh cũng phải sắp xếp lại lịch sinh hoạt của cả gia đình.
Chị Trần Thu Hương (phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 6 chia sẻ: “Lịch học của con là học ở lớp và học trực tuyến xen kẽ nhau tôi thấy cũng khá hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Việc học trực tuyến thì vẫn như trước, tuy nhiên gia đình cũng phải sắp xếp lịch đưa đón con những buổi học trên lớp.”
Chị Hương cho rằng việc học sinh phải ngồi giãn cách trong lớp học, không tụ tập khi ra chơi cũng là cần thiết trong việc kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh.
Đối với học sinh tiểu học và mầm non, việc quay trở lại học tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu muộn hơn 1 tuần vào tuần tới ngày 11-5 và việc đưa đón học sinh cũng khiến phụ huynh đau đầu hơn. Phụ huynh đang ngóng chờ lịch học chia lớp để sắp xếp việc đưa đón, trông con.
Chị Thu Quỳnh có con đang học lớp 1 trưởng Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được cô giáo thông báo trước phương án chia lớp, bố trí giờ đón học sinh để lấy ý kiến.
“Lịch học của con có thể là tuần học 3 buổi và phải đón con lúc 11 giờ sáng. Giờ đó tôi vẫn chưa tan làm nên cũng đang phải sắp xếp xin nghỉ làm sớm buổi sáng hoặc nhờ ông bà đón con giúp,” chị Quỳnh nói.
Một số phụ huynh phải đi làm không có thời gian trông con đã gửi con về quê cũng ngóng chờ lịch học và đau đầu việc sắp xếp sao cho ổn thỏa. Anh Nguyễn Văn Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) có hai con, con gái lớn đang học lớp 3 và con trai nhỏ đang học mầm non đều đang nghỉ về quê với ông bà ở Vĩnh Phúc, giờ đang chờ cô giáo thông báo lịch học để đưa các con về Hà Nội quay trở lại học.
Anh Thắng chia sẻ: “Lúc đầu gia đình định chỉ đưa con gái lớn lên trước, con trai vẫn ở quê cùng ông bà. Nhưng con gái tôi đi học thì cháu lại không học cả tuần nên vẫn phải sắp xếp người đưa đón, trông cháu. Do đó, gia đình lại phải đưa cả 2 lên và nhờ ông bà lên trông giúp 1, 2 tuần tới, tùy tình hình rồi tính tiếp.”
Tắt điều hòa, dùng tấm chắn giọt bắn có khả thi?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh dễ lây lan hơn trong môi trường bật điều hòa, do đó các trường học thông báo sẽ thực hiện tắt điều hòa và chỉ dùng quạt. Thế nhưng, với thời tiết nóng nực như hiện nay, yêu cầu học sinh ngồi yên một chỗ trong suốt buổi học kể cả giờ ra chơi, đeo khẩu trang cả ngày, trong khi lớp học không có điều hòa đang khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Phụ huynh học sinh đang băn khoăn về những quy định tắt điều hòa, đeo mặt nạ chống giọt trong bối cảnh thời tiết nóng nực như hiện nay. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Chị Nguyễn Thúy Trình (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Đã khoảng 20 ngày không có ca bệnh lấy lan trong cộng đồng, trước khi vào lớp các con cũng được đo thân nhiệt, phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… thì có lẽ nên gỡ bỏ bớt quy định về “tắt điều hòa” trong thời tiết nóng nực như thế này?”
Trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường học, ở một số nơi phụ huynh hoặc nhà trường còn để con đeo cả mặt nạ chống giọt bắn để phòng chống dịch. Trong thời tiết khắc nghiệt, không bật điều hòa, phải đeo khẩu trang, mặt nạ chống giọt trang bị như thì liệu học sinh có tiếp thu bài hiệu quả.
Hiện nay, nhiều học sinh bị cận thị, việc đeo những tấm mặt nạ chống giọt bắn cũng dấy lên lo ngại có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đôi mắt của học sinh. Trong khi đó, những tấm mặt nạ chắn giọt đa số là nhựa, chất lượng thấp khiến phụ huynh càng thêm lo lắng.
Chị Thu Cúc (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, học sinh phải nhìn qua tấm nhựa của mặt nạ chống giot lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mắt của trẻ, nhất là đối với những học sinh tiểu học, lứa tuổi đang hình thành thị giác.
“Miếng nhựa chắn cong nên khi trẻ nhìn qua sẽ bị biến dạng hình ảnh nhìn lâu sẽ khiến các con bị mỏi mắt, đau đầu, cận thị… Do đó, tôi đã ý kiến với nhà trường đề nghị bỏ quy định đeo mặt nạ chống giọt bắn…,” chị Cúc nói.
Theo dự báo thời tiết, trong những ngày tới còn nắng nóng hơn nữa, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn nên gỡ bớt các quy định để các em dễ chịu hơn trong thời tiết nóng nực, để vừa đảm bảo được phòng chống dịch, vừa để việc tiếp thu kiến thức của các em có hiệu quả. Việc thực hiện các quy định phòng chống dịch nên được thực hiện theo tình hình thực tế, không quá máy móc.
Theo Vietnamplus.vn