Theo quy chế tuyển sinh thì sau khi biết điểm chuẩn, thời gian thay đổi nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 25-9. Vì thế, thí sinh cần rất thận trọng trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng này.
ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đón tân sinh viên đỗ theo phương thức tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp. Ảnh: NEU |
Thí sinh thay đổi nguyện vọng bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 19 đến 27-9.
TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó ban Quản lý Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Nguyên tắc xét tuyển đại học chính là trúng ở đâu dừng ở đó, vậy nên thí sinh cần thận trọng khi thay đổi nguyện vọng.
Thí sinh nên chú ý đến sự dịch chuyển của phổ điểm năm 2020 và sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, có năng lực và yêu thích ngành nào nên xếp ngành đó vào nguyện vọng đầu tiên. Điều thí sinh đặc biệt quan tâm là mức tuyển sinh cụ thể của từng ngành; Dự báo điểm chuẩn của từng ngành. Từ đó, thí sinh đưa ra quyết định chính xác nhất.
Bên cạnh đó, thí sinh nên có các nguyện vọng dự phòng an toàn. Bởi TS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, nếu không đỗ vào ngành yêu thích ngay từ đầu, các em có thể lựa chọn đi đường vòng để đạt được mục đích cuối cùng của mình. Ví dụ, thí sinh rất thích ngành báo chí nhưng không thể vượt qua kỳ thi năng khiếu báo chí tại trường, thì thí sinh có thể học một ngành khác thuộc khối Lý luận sau đó đăng ký học song ngành. Đây cũng là giải pháp để thí sinh có thể đảm bảo đỗ và thực hiện được ước mơ của mình.
Tới thời điểm này, một số trường đại học đã dự kiến mức điểm chuẩn. Theo đó, mức điểm dự kiến mà trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Kinh tế Quốc dân đều tăng từ 1 - 3 điểm, tuỳ ngành.
Mức điểm chuẩn sẽ được công bố ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn khối ngành sức khoẻ, sư phạm. Dự kiến sau ngày 16-9, khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 biết điểm thi.
Báo Tin tức