Ngày thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: Đề thi dài, phân hóa cao

.

ĐNO - Ghi nhận ở ngày thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, ở các môn thi tổ hợp, thí sinh làm bài có phần vất vả hơn so với ngày thi đầu tiên. Theo nhiều thí sinh, đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên dài, phân hóa cao.

Thí sinh ra về sau khi hoàn thành bài thi KHTN và KHXH. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh ra về sau khi hoàn thành bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Ảnh: NGỌC HÀ

Thí sinh Dương Quốc Bảo (học sinh Trường THPT Trần Phú) cho rằng, nhiều thí sinh hơi “choáng” với độ dài của bài thi Giáo dục công dân. “Nó quá dài so với tưởng tượng của em. Em chưa gặp đề thi thử nào như vậy. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh lại, em phân tích kỹ, tìm chìa khóa nên cũng giải quyết xong”, Quốc Bảo chia sẻ.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Kỳ Duyên (điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh) cũng cho rằng, trong đề thi tổ hợp Khoa học xã hội, ngoài môn Giáo dục công dân, môn Lịch sử cũng khá dài, số câu học thuộc nhiều.

Những câu vận dụng rơi vào giai đoạn lịch sử Việt Nam 1936 - 1939 khi yêu cầu thí sinh so sánh giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Với môn Địa lý, phần lý thuyết chỉ 10 câu, còn lại là vận dụng Atlat địa lý để làm bài.

“Nếu nắm vững kiến thức thì thí sinh vẫn có thể đạt điểm cao bài thi Khoa học xã hội; mức điểm trung bình, khá khả năng nhiều”, Duyên nói.

Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành bài thi KHTN và KHXH. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Ảnh: NGỌC HÀ

Đối với bài thi Khoa học tự nhiên, theo thí sinh Đỗ Hồng Đạt (học sinh Trường THPT Skyline), nội dung bám sát chương trình phổ thông, học sinh có khả năng hoàn thành ở mức điểm từ trung bình - khá.

Với môn Sinh học, nhiều câu không hẳn đánh đố nhưng đòi hỏi học sinh phải tập trung, chú ý mới làm được. Các câu từ 35-40 của đề thi môn Lý và Hóa khó, chỉ học sinh khá - giỏi môn này mới hy vọng đạt điểm cao.

Thí sinh Quách Gia Bảo (học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh) nhận xét, bài thi Khoa học tự nhiên năm nay có tính phân hóa rõ rệt. Nếu như những năm trước các phần lý thuyết dễ kiếm điểm, độ phân hóa chủ yếu ở dạng bài tập thì năm nay, độ phân hóa cả ở những câu lý thuyết và bài tập. Có những câu không tìm thấy trong đề thi thử hay đề thường làm. "Em nghĩ đề thi có sự cải tiến và đổi mới. Qua đó, có thể phân loại được thí sinh dễ dàng", Gia Bảo nói.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đối với bài thi Khoa học tự nhiên, môn Vật lý vắng 17 thí sinh, Hóa học vắng 19 thí sinh, Sinh học vắng 13 thí sinh.

Đối với bài thi Khoa học xã hội, môn Lịch sử vắng 65 thí sinh, Địa lý vắng 57 thí sinh, Giáo dục công dân vắng 37 thí sinh.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Ielts process The IELTS Workshop