Trước ảnh hưởng của Covid-19, mùa tuyển sinh 2021, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học thành viên của Đại học (ĐH) Đà Nẵng không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT tăng mạnh.
Học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Bách khoa mùa tuyển sinh năm học 2021-2022. (Ảnh chụp tháng 2-2021). Ảnh: NGỌC HÀ |
Năm học 2021-2022, Trường ĐH Bách khoa có 3.080 chỉ tiêu, trong đó 660 chỉ tiêu dành cho xét tuyển học bạ, 485 chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, 485 chỉ tiêu xét tuyển riêng. Theo ghi nhận, hồ sơ của 3 phương thức xét tuyển đều tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Số lượng thí sinh nộp theo phương thức học bạ và phương thức tuyển sinh riêng tăng hơn 200% về số lượng hồ sơ cũng như nguyện vọng. Đối với phương thức đánh giá năng lực tăng khoảng 300% về số hồ sơ và 500% số lượng nguyện vọng.
“Mặt bằng chung chất lượng hồ sơ năm nay của cả 3 phương thức đều tăng hơn năm 2020, đặc biệt đối với phương thức tuyển sinh riêng. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguyện vọng đăng ký các ngành cũng đồng đều hơn”, PGS. TS Võ Ngọc Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa nhìn nhận.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế có 3.100 chỉ tiêu, trong đó 605 chỉ tiêu dành cho xét tuyển học bạ (chiếm khoảng 20%), 1.590 chỉ tiêu xét tuyển thành tích học tập và năng lực ngoại ngữ (chiếm hơn 50%), 605 chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 20%), còn lại là xét tuyển theo phương thức đánh giá năng lực.
Theo PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, năm học 2021-2022, nhà trường dành nhiều chỉ tiêu cho thí sinh có thành tích học tập và năng lực ngoại ngữ (học sinh giỏi cấp quốc gia, tỉnh, thành phố có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế…) nên chỉ tiêu cho các nhóm còn lại thấp hơn. Tuy nhiên, hồ sơ thí sinh nộp về xét tuyển, trong đó có xét tuyển theo học bạ tăng cao; trong khi chỉ tiêu cho phương thức này vẫn như năm ngoái, dẫn đến tỷ lệ chọi càng cao, bảo đảm chất lượng đầu vào.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm cũng xác nhận tiếp nhận lượng lớn hồ sơ thí sinh nộp xét tuyển qua học bạ. Hiện số lượng hồ sơ xét tuyển bằng học bạ tăng khoảng 150% so với năm ngoái.
Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, phương thức xét tuyển học bạ được nhiều thí sinh lựa chọn như tấm vé bảo đảm vào cánh cửa đại học trong điều kiện ôn tập và dự thi tốt nghiệp THPT chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19. Các ngành được thí sinh lựa chọn nhiều là giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non, sư phạm toán, sư phạm ngữ văn, báo chí, công nghệ thông tin… Vì vậy, những ngành này có tỷ lệ cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn các ngành sư phạm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới như: Sư phạm tin học, sinh học, khoa học tự nhiên, công nghệ, công nghệ sinh học, quản lý tài nguyên môi trường, hóa dược, lịch sử (chuyên ngành quan hệ quốc tế)… Đây là những ngành xã hội đang thiếu nhân lực, tính cạnh tranh trong tuyển sinh không cao. Những ngành này sẽ triển khai xét tuyển học bạ bổ sung đợt 2 vào giữa tháng 7.
Ông Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng cho biết, năm 2021, tất cả các trường đại học thành viên đều có phương thức xét tuyển học bạ với khoảng 26% chỉ tiêu. Năm nay, số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ ở các trường thành viên tăng hơn 20% so với mùa tuyển sinh trước. “Trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các phương thức này có thể giúp các trường chủ động thời gian xét tuyển, thời gian công bố.
NGỌC HÀ