Tháo gỡ khó khăn trong học trực tuyến

.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh toàn thành phố. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện để tham gia các lớp học.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) đang học trực tuyến.   Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) đang học trực tuyến. Ảnh: NGỌC HÀ

Khó khăn trong học trực tuyến

Ngày 6-9, các trường triển khai buổi học đầu tiên của năm học mới 2021-2022 nhưng theo ghi nhận, nhiều học sinh không đủ điều kiện tham gia lớp học. Mấy hôm nay, em Nguyễn Khánh An (nhà thôn Giàn Bí, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) tỏ ra khá buồn vì không thể học trực tuyến cùng các bạn khi gia đình không có thiết bị điện tử. Suy nghĩ một hồi, An nhờ một bạn trong lớp xin gia đình cho học chung. “Gia đình An khá khó khăn, ba bị bệnh nhiều năm chưa khỏi, mẹ mới sinh em bé, cả nhà không có điện thoại thông minh để dùng. Nghe con kể, tôi liền đồng ý.

Ở Hòa Bắc này, nhiều gia đình không có điều kiện cho con học online. Nếu có điện thoại thông minh thì không có mạng wifi, dùng 3G, 4G lại yếu, tốn kém..., khó đủ đường. Do đó, tôi đã sắp xếp để các con cùng học trên tinh thần bảo đảm về phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn...”, phụ huynh em Đinh Đăng Khoa - bạn học với An, chia sẻ.

Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hòa Vang, đối với bậc tiểu học, Trường Tiểu học Hòa Bắc có 54,02% học sinh không có điều kiện tiếp cận internet (chiếm tỷ lệ cao nhất); kế đến là Tiểu học Hòa Nhơn 2 với 29,42%; Tiểu học Hòa Sơn 1 với 19,65%... Đối với bậc THCS, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân với 38,95%; THCS Trần Quang Khải với 32,7%; THCS Nguyễn Tri Phương với 29,41%...

Qua khảo sát, tỷ lệ học sinh không có điều kiện tiếp cận internet tại các quận còn lại trên địa bàn thành phố không cao, dao động 4-10%, 30-100 học sinh/trường... Lý do chủ yếu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có thiết bị; ba mẹ đi làm ăn xa các em ở với ông, bà lớn tuổi nên không biết sử dụng thiết bị; cả ba mẹ đều tham gia phòng, chống dịch... “Con số thực tế có thể cao hơn so với khảo sát do từ ngày 6-9, nhiều phụ huynh trở lại làm việc nên không thể học cùng con hay cho con mượn điện thoại để học”, cô Lê Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết.

Đối với những học sinh có điều kiện học trực tuyến, nhất là lớp nhỏ thì lại “khó” kiểu khác. Nhà có hai con, một lớp 6 và một lớp 1, vợ là giáo viên cũng phải dạy trực tuyến nên anh N.T.P (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đành nhường máy tính và cả điện thoại của mình để hai con học và kiêm luôn nhiệm vụ trông chừng. “Điện thoại thì mình vẫn phải làm việc, đôi khi có người gọi đến ngắt quãng việc học của con. Bên cạnh đó, tôi phải ngồi canh con, lơ là là cháu chạy lung tung quanh nhà. Tôi cũng lo, học bằng điện thoại thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến mắt các con”, anh Phương chia sẻ.

Trong khi đó, hai vợ chồng vừa nhận nhiệm vụ quay trở lại cơ quan làm việc, chị P.T.B.H (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) giao con lớn trông con nhỏ học trực tuyến. “Đến giờ học, cô giáo điểm danh không thấy nên nhắn vào zalo lớp, tôi gọi về thì cả hai con đều ngủ. Cuối buổi học, chị gái sợ mẹ la, nhắn vào nhóm lớp xin bài tập cho em làm nhưng may buổi đầu chỉ làm quen giáo viên và bạn bè, cô chưa ôn tập gì cả. Mong mọi thứ nhanh ổn định để các con quay lại trường, chứ vầy hoài tội các con quá”, chị H. nói.

Đi tìm giải pháp

Cô Lê Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, nếu tình hình học trực tuyến còn kéo dài, nhà trường phải tính đến việc hỗ trợ thiết bị điện tử cho học sinh. Theo đó, trường cho học sinh mượn tạm máy tính bảng của nhà trường hiện có, kêu gọi ban đại diện hội phụ huynh hỗ trợ thiết bị điện tử…

Trong khi đó, thầy Tạ Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà) cho biết, hiện nhà trường có 51 học sinh không có thiết bị tham gia học trực tuyến. Nhà trường linh hoạt thay đổi giờ học của từng lớp để tận dụng tối đa điện thoại thông minh của những người trong gia đình; tư vấn phụ huynh cho học sinh học trên truyền hình… “Nếu thời gian tới học sinh vẫn chưa được đến trường và địa phương thuộc vùng không bị giới hạn đi lại thì giáo viên có thể phối hợp phụ huynh sắp xếp cho các em ở gần nhà nhau, hỗ trợ học trực tuyến cùng nhau (tối đa 2-3 em)”, thầy Cương nêu ý kiến.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, sở nhận thức dạy- học trực tuyến là hình thức hỗ trợ chứ không phải là hình thức chủ đạo nên ngày 23-8 đã ban hành Công văn số 2478/SGDĐT-GDTrH về tổ chức hoạt động chuyên môn đầu năm học, xác định thời gian đầu sau khai giảng (khoảng 2 tuần), việc dạy - học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ; sau đó nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy - học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường khảo sát tình hình học sinh về điều kiện học trực tuyến để có kế hoạch giúp đỡ các em cũng như báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền hỗ trợ học sinh trong việc học trực tuyến.

Tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3-9-2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến.

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.