Gắn kết cung - cầu nhân lực chất lượng cao

.

Dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin (Fujikin Danang R&D Center) vừa khởi công tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đây là dự án trọng điểm do Tập đoàn Fujikin Nhật Bản làm chủ đầu tư với tổng vốn 35 triệu USD, trong đó có cam kết hợp tác với Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, cung ứng nguồn nhân lực cho các ngành mũi nhọn.

Trường Đại học Bách khoa, Đại  học  Đà Nẵng  hợp tác với Công ty TNHH Hitachi Systems (Nhật Bản) để phát triển phòng thí nghiệm tiên tiến  (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: PV
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng hợp tác với Công ty TNHH Hitachi Systems (Nhật Bản) để phát triển phòng thí nghiệm tiên tiến. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: PV

Fujikin ưu tiên tuyển dụng các kỹ sư tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa; đồng thời, sẽ cử chuyên gia hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến như: robot, máy bay không người lái, thiết bị y tế, ứng dụng năng lượng hydro, nano, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới…

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết, hai bên hợp tác xây dựng phòng nghiên cứu R&D tại tòa nhà Smart Campus của trường với trang thiết bị hiện đại, đem đến cho sinh viên cơ hội được thực hành, tiếp cận công nghệ mới. Nhà trường còn xúc tiến hợp tác với nhiều doanh nghiệp uy tín (SMC, Hitachi Systems - Nhật Bản, UAC - Hoa Kỳ, EVN, THACO…) tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp; hỗ trợ nhà trường tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CCTPP), Đà Nẵng có vị trí địa chiến lược và nhiều tiềm năng lợi thế để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp chọn là điểm đến trong xu thế chuyển dịch đầu tư. Lúc này, mối quan hệ hợp tác nhà trường - doanh nghiệp càng có ý nghĩa, nhờ đó doanh nghiệp có thể dự lường cung - cầu nguồn nhân lực từ khâu thiết kế, chuẩn bị đầu tư. Trong khi đó, nhà trường có thêm nguồn lực khi mời các chuyên gia đồng hướng dẫn sinh viên; tham gia thiết kế, phản biện, cập nhật chương trình đào tạo; tài trợ trang thiết bị thực hành, thí nghiệm… Đây là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, nhất là đối với các ngành kỹ thuật - công nghệ.

Thời gian qua, nhiều khoa của trường, điển hình như khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến đã kết nối, triển khai đào tạo theo mô hình đồ án tốt nghiệp (Capstone Project). Theo đó, khoa gửi sinh viên thực tập, làm đồ án ngay tại doanh nghiệp với sự đồng hướng dẫn của các chuyên gia, kỹ sư và giảng viên của trường. Đề tài được chọn thường là các vấn đề “nóng” trong thực tế doanh nghiệp.

Theo TS. Ngô Minh Trí, Trưởng khoa Điện tử viễn thông, nhà trường còn hợp tác doanh nghiệp thiết kế các hệ thống thí nghiệm ảo, cho phép người học tiếp cận từ xa thông qua bài giảng, buổi hội thảo trực tuyến hoặc các đoạn phim được clip ghi hình ngay trong môi trường làm việc, sản xuất thực tế của doanh nghiệp.  

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) là trường đầu tiên của Việt Nam mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư cơ khí hàng không. Hiện Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) đang triển khai dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 170 triệu USD và cam kết đầu tư các trang thiết bị thí nghiệm - thực hành hiện đại cho các phòng thí nghiệm đặt ngay tại trường. Tổng Giám đốc Tập đoàn UAC Kevin Loebbaka cho biết, nhờ chính quyền kết nối, hỗ trợ, UAC đã “đặt hàng” Trường ĐH Bách khoa cung ứng nhân lực ít nhất 1.200 kỹ sư, lao động kỹ thuật cao từ nay đến năm 2023.

Khi cung - cầu gặp nhau, các bên chú trọng hợp tác sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên, từ đó thành phố tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư với các dự án phát triển bền vững.

 TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích