Năm học 2021-2022, một số trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu đưa vào giảng dạy chương trình kỹ năng sống theo hình thức xã hội hóa. Đây là hoạt động trang bị tri thức và kỹ năng cần thiết, giúp học sinh xử lý các tình huống xảy ra trong thực tế.
Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) trong một tiết học về kỹ năng sống. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19) |
Trường Tiểu học Phù Đổng (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) được xem là đơn vị tiên phong dạy kỹ năng sống trong trường học khi thực hiện thí điểm trong năm học 2019-2020. Sau một năm thí điểm, nhà trường chính thức triển khai dạy cho khối lớp 1, 2 và 3 với tỷ lệ học sinh tham gia lên đến 97%. Những học sinh thuộc diện khó khăn được nhà trường tạo điều kiện học miễn phí.
Từ những kết quả bước đầu, năm học 2021-2022, nhà trường dự kiến triển khai toàn trường từ khối 1 đến khối 5 (1 tiết/tuần). Cô Trương Thị Như Trúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng cho hay, nhà trường đang sử dụng chương trình kỹ năng sống POKI do Công ty CP Phát triển giáo dục Minh Khôi triển khai chương trình tại Đà Nẵng. Hai năm triển khai, giáo viên nhà trường đánh giá đây là chương trình hay cả về nội dung và hình thức, học sinh rất hứng thú tham gia.
Đối với Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (phường Thanh Bình, quận Hải Châu), năm học 2021-2022 là năm đầu tiên dạy chương trình kỹ năng sống cho học sinh. Theo cô Dương Thị Đồng Bằng, Hiệu trưởng nhà trường, qua quan sát, ban giám hiệu nhận thấy dạy kỹ năng sống rất hữu ích cho học sinh. Sau khi bàn bạc, trao đổi với ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường triển khai lấy ý kiến phụ huynh các lớp. Đến nay, phụ huynh các lớp đều đồng thuận, một số học sinh khó khăn sẽ được nhà trường hỗ trợ học miễn phí.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hải Châu thông tin, năm học 2021-2022 có khoảng hơn 10 trường tiểu học trên địa bàn quận triển khai dạy kỹ năng sống bằng hình thức xã hội hóa. Việc triển khai dựa trên Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, lựa chọn chương trình được thẩm định cũng như xây dựng giá dịch vụ giáo dục - đào tạo. “Phòng GD&ĐT quận chỉ đạo các trường học triển khai trên tinh thần tình nguyện của phụ huynh. Nhà trường bố trí giờ học vào tiết cuối cùng của buổi học để thuận lợi cho phụ huynh đưa đón đối với những học sinh không tham gia. Đồng thời, hỗ trợ học phí với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, bà Hà chia sẻ.
Theo ghi nhận, hầu hết các trường tiểu học chọn chương trình kỹ năng sống POKI. Ông Phạm Văn An, Giám đốc Công ty CP Phát triển giáo dục Minh Khôi, chi nhánh Đà Nẵng cho biết, chương trình được viết dựa trên khung năng lực công dân thế kỷ 21, phù hợp với định hướng phát triển năng lực theo chương trình phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT, gồm có 4 nhóm năng lực chính: thường thức cuộc sống; giao tiếp và tương tác; tư duy học tập, sáng tạo; ứng dụng khoa học, công nghệ. Đồng thời, tùy theo khối lớp sẽ có các chủ đề và bài giảng phù hợp lứa tuổi.
Chẳng hạn, với khối 1 có chủ đề “Phòng tránh tai nạn thương tích” giúp học sinh xử lý tình huống thoát khỏi đám cháy lớn, đồ rơi trên đường; khối 5 có chủ đề “An toàn là bạn” giúp học sinh xử lý tình huống khi bị sặc, hóc, bị rò rỉ gas, khi đi thang cuốn, sơ cấp cứu và cấp cứu khi đi dã ngoại. “Kỹ năng sống POKI áp dụng công nghệ trong giảng dạy. Tất cả bài giảng được tích hợp trong phần mềm, bao gồm bài dạy, trò chơi, câu chuyện, hoạt động và có cả bộ nhận diện nhân vật đáng yêu, giúp các em thấy thân quen, dễ dàng tiếp nhận và học các kỹ năng nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Ngoài ra, các em có thể thực hành các bài học trên website cùng ba mẹ để kiểm tra lại nội dung được học trên lớp. Khi chuyển giao chương trình cho trường học, chúng tôi tổ chức tập huấn rất kỹ cho giáo viên”, ông An chia sẻ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chương trình giáo dục kỹ năng sống vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, đồng đều ở các trường học trên địa bàn toàn thành phố do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do điều kiện kinh tế. “Năm rồi nhà trường dạy thử nghiệm chương trình kỹ năng sống nhưng khá ít học sinh đăng ký, mỗi lớp chưa tới 10 em, có lớp vài ba em. Tôi nhìn nhận chương trình khá hay nhưng những chương trình xã hội hóa của nhà trường không hiệu quả vì đời sống kinh tế phụ huynh không cao”, thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết.
Theo ông Phạm Văn An, hiện các trường đang triển khai chương trình kỹ năng sống POKI với mức giá 50.000 đồng/tháng (1 tiết/tuần). “Đến nay chúng tôi chỉ mới triển khai tại quận Hải Châu. Tôi hy vọng nhiều học sinh trên địa bàn thành phố được tiếp cận chương trình giáo dục kỹ năng sống, bởi rất thiết thực trong xử lý tình huống diễn ra hằng ngày xung quanh các em”, ông An nói.
NGỌC HÀ