Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với quy mô 300ha thuộc địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng. 25 năm kể từ ngày được quy hoạch, thời gian qua, dự án đang được tập trung đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc lớn nhằm hình thành Làng ĐH Đà Nẵng theo đúng mục tiêu đề ra.
Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo tham quan Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đã đi vào hoạt động tại Làng Đại học Đà Nẵng vào tháng 3-2022. Ảnh: LÊ PHẠM |
Bài 1: Những chuyển động tích cực
Hai năm trở lại đây, dự án Làng ĐH Đà Nẵng được khởi động trở lại. Đáng chú ý, phần đất dự án thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) được 74,7/110ha, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tiến độ dự án.
Giải phóng mặt bằng 74,7/110ha
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, phần diện tích đất thuộc dự án nằm trên địa bàn thành phố khoảng 110 ha. Năm 2017, thành phố giải phóng mặt bằng bàn giao cho ĐH Đà Nẵng 38,6ha. Từ năm 2019, thành phố tiếp tục thực hiện GPMB với 40ha thuộc tiểu dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2018-2020) và nằm trong dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Quyết định số 2148/QĐ-BGDĐT ngày 30-7-2020 của Bộ GD&ĐT).
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, công tác GPMB được thành phố đẩy nhanh tiến độ đối với diện tích 40ha này. Chỉ hơn hai năm, tổng hồ sơ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng là 520 hồ sơ, tương đương với diện tích bàn giao là 36,1ha/40ha (đạt 90,25%); số hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng là 224 hồ sơ nhà ở, đất ở. Sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng khu tái định cư, sẽ bố trí cho các hộ dân và bàn giao gần 4ha đất còn lại. Ngoài 40ha thuộc tiểu dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2018-2020), diện tích đất còn lại là 31,4ha trên địa bàn thành phố sẽ giải phóng mặt bằng trong giai đoạn tiếp theo của dự án. Như vậy, trong tổng số 110ha đất thuộc dự án, thành phố Đà Nẵng đã GPMB được 74,7ha.
Cũng theo ông Hòa, đến thời điểm hiện tại, ĐH Đà Nẵng đã giải ngân 647 tỷ đồng cho Ban GPMB quận Ngũ Hành Sơn hoàn thành áp giá và đang bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng của dự án. Còn lại 28 tỷ đồng chưa giải ngân, ĐH Đà Nẵng đang dự phòng các khoản phát sinh (nếu có) để tiếp tục thực hiện vào năm 2022 khi kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài sang năm 2022.
Dự án làng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch không bao gồm các khu tái định cư để sử dụng cho công tác GPMB, do đó quỹ đất và nguồn kinh phí xây dựng các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân hiện nay chưa được xác định rõ ràng. Để thúc đẩy nhanh dự án, thành phố Đà Nẵng thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư. Cụ thể, ngày 20-9-2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 3014/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa làng đại học với quy mô 12,7ha, tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng. Trong tháng 5-2022, thành phố cũng sẽ hoàn tất chọn nhà thầu thi công xây dựng các hạng mục của khu tái định cư này.
Mặt khác, do tiến độ khẩn trương của công tác tái định cư và yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với dự án vay vốn ưu đãi của ĐH Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư nêu trên, đồng thời bổ sung thêm quỹ đất từ 6 khu tái định cư đã hoàn thiện khác của thành phố để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho dự án này. UBND thành phố cũng ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28-1-2022, theo đó, hoàn thành công tác giải tỏa trong năm 2022.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tào (GD&ĐT) mới đây, lãnh đạo thành phố cho biết, chỉ trong hai năm (2020 và 2021), Đà Nẵng giải quyết khối lượng lớn công việc liên quan dự án bằng thời gian của 20 năm qua. Việc thành phố thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí nêu trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư là việc làm chưa từng có và cũng không có trong các luật liên quan. Nhưng nhờ vậy, đã đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao đất sạch cho dự án.
ĐH Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho biết, sau hơn 20 năm quy hoạch treo, năm 2020, dự án được bố trí 1.000 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng) từ nguồn dự phòng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để triển khai 3 dự án thành phần. Dự án thành phần thứ nhất là dự án Bồi thường, GPMB 40ha khu vực phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 2018-2020) với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng.
Tiếp đó là dự án Bồi thường, GPMB khu vực phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn với tổng mức đầu tư 181,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này không thể triển khai do thay đổi pháp luật về đầu tư (phải có cấu phần xây dựng nên chưa được cấp vốn). Dự án thành phần thứ 3 là dự án Đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục xây dựng nhà học tập, thực hành, thí nghiệm cho khoa Y dược và nhà làm việc 5 tầng của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật. Dự án này đang được hoàn thiện, dự kiến bàn giao và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6-2022.
Công trình Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) là điểm sáng tại khu vực dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHẠM |
Đã có 3 đơn vị hoạt động trong dự án
Như vậy, với phần đất được bàn giao, hiện có 3 đơn vị hoạt động trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng, gồm: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU); Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và khoa Y dược. Sắp tới là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật dự kiến bố trí sinh viên học lý thuyết tại tòa nhà này vào tháng 9-2022.
Việc đưa vào hoạt động tại Làng ĐH góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên với quy mô ngày càng tăng tại các đơn vị này. Theo thông tin từ Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, trước đây, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (CIT) và khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (SICT) thuộc ĐH Đà Nẵng lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2003 và 2017 trong cùng khuôn viên dự án Làng ĐH Đà Nẵng với tổng diện tích 10 ha.
Trong khi đó, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn (VHIT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập từ 2007 cũng nằm trong dự án Làng ĐH Đà Nẵng với tổng diện tích 13,6 ha. Quy mô các trường khoảng 400-500 sinh viên những năm đầu và đến năm 2019, tổng quy mô của 3 đơn vị trước khi sáp nhập là 2.500 sinh viên.
Đến tháng 1-2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 3-1-2020 thành lập Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), 3 đơn vị này sáp nhập lại với nhau; quy mô sinh viên gần 4.000. Dự kiến đến năm 2025 quy mô sinh viên VKU là 8.000 và định hướng đến năm 2030 quy mô sinh viên là 10.000 sinh viên.
Tương tự, từ năm 2014, khoa Y Dược thuộc ĐH Đà Nẵng được bố trí tòa nhà Trường Cao đẳng CNTT, ĐH Đà Nẵng. Đến năm 2018, khoa tiếp nhận tòa nhà mới hiện nay đang sử dụng. Theo TS.BS Lê Viết Nho, Trưởng khoa Y Dược, số lượng sinh viên của khoa tăng nhanh. Trước năm 2014, số lượng sinh viên khoảng 400, từ năm 2014 đến nay, quy mô hằng năm tăng 150 sinh viên. Hiện nay, toàn khoa có 1.400 sinh viên và 100 học viên sau đại học. Năm 2020, khoa Y Dược cũng có lứa sinh viên tốt nghiệp khóa Bác sĩ Y đa khoa chính quy đầu tiên của khoa và đầu tiên tại Đà Nẵng.
Về cơ sở vật chất, từ năm 2018, khoa được trang bị thêm các thiết bị, phòng thực hành thí nghiệm cho sinh viên ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học và Điều dưỡng. Năm 2022 dự kiến mở và thẩm định ngành Y học xét nghiệm và các ngành chuyên khoa 1. Tháng 5-2022 dự kiến tiếp nhận khối nhà mới học tập, thực hành, thí nghiệm cho khoa Y - Dược theo nguồn dự án đầu tư xây dựng các hạng mục cấp thiết cho ĐH Đà Nẵng giai đoạn 2018-2020. Đến tháng 6-2022, dự kiến mở một số phòng học lâm sàng, xét nghiệm tại Trung tâm Y khoa.
“Với quy mô ngày càng lớn mạnh, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, khoa Y Dược tại làng ĐH Đà Nẵng dự kiến đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong khu vực cũng như trên cả nước”, TS.BS Lê Viết Nho chia sẻ.
Bên cạnh hai đơn vị đào tạo chuyên ngành, tại làng ĐH Đà Nẵng còn có khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc ĐH Đà Nẵng được thành lập vào năm 2020. Khoa có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chương trình Giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên ĐH Đà Nẵng và các cơ sở đào tạo khác theo quy định của Nhà nước. Khoa được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chuyên dụng, bãi tập kỹ, chiến thuật… Hằng năm đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn sinh viên của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng và nhiều đơn vị khác.
Theo ĐH Đà Nẵng, khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh là một đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo giáo dục quốc phòng và an ninh, là cơ quan tham mưu cho ĐH Đà Nẵng về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tuyên truyền những nội dung nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách quốc phòng và an ninh để người học hiểu và thực hiện tốt, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh để đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
LÊ PHẠM