Một số trường học trên địa bàn thành phố hiện xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, đe dọa sự an toàn cho học sinh và giáo viên. Trong khi đó, đề án nâng cấp, sửa chữa trường học hiện đang chậm triển khai khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Trần mái hiên của Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ) bị thấm dột, ảnh hưởng việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ |
Xuống cấp nghiêm trọng
Cơ sở 1 của Trường Tiểu học Phù Đổng (đường Yên Bái, quận Hải Châu) được xây dựng từ trước năm 1890, thời Pháp thuộc. Nhìn từ ngoài cổng, ngôi trường còn khá khang trang, tuy nhiên, bên trong nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi trường còn nguyên vẹn kiến trúc Pháp, với 2 dãy nhà 2 tầng và 1 dãy nhà 1 tầng, nhưng từ lối xuống cầu thang và dãy phòng học đều bị ẩm mốc, tróc sơn. Trong các phòng học thuộc tầng 1, trần bê-tông cũng bị bong vữa và rơi rớt nhiều vị trí, để lộ khung thép hoen gỉ. Tại khu vực ăn trưa của học sinh, gạch hoa lâu ngày bị hư hỏng, nhà trường phải dùng xi-măng sửa chữa, gia cố tạm thời.
Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng, cho biết: “Gần như năm nào nhà trường cũng phải sơn quét lại, mùa mưa đến tường đều bị thấm. Nhưng đây là giải pháp khắc phục tình thế và cũng chỉ được một thời gian ngắn thì các mảng tường lại loang lổ, rã sơn như cũ. Tất cả các mảng tường đều không thể khoan để bắt vít treo quạt hay lắp điều hòa vì chỉ cần đưa máy khoan vào là mảng tường bị bong hết ra”.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu) có một khối nhà 2 tầng không được đổ bê-tông mà chỉ lợp tôn và làm la-phông phòng học. Do thời gian khai thác quá lâu, tôn đã bị mục nhiều chỗ nên chỉ cần trời mưa lớn một chút là bị dột. Tường bị thấm rất nhiều do nước tràn từ la-phông chảy xuống cả sàn lớp học.
Không riêng gì khối phòng học lợp tôn xuống cấp, khối phòng học được đổ bê-tông cũng bị thấm dột nặng sau gần 20 năm đưa vào sử dụng. Khu hiệu bộ của trường xuống cấp nặng nhất. Tường bị nứt từng mảng lớn từ tầng 2 xuống tầng 1. Những ngày mưa lớn, sàn nhà của các phòng làm việc tràn nước. “Mái tôn thủng thì khi trời mưa dột còn hứng được chứ sàn nứt thì nước mưa chảy quanh rồi thấm xuống cả sàn lớp học”, thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Trong khi đó, trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ) được xây dựng từ năm 1997, đến nay cũng xuống cấp trầm trọng. Theo quan sát, các trụ tường của trường phơi cả trụ sắt ra ngoài. Dọc theo hành lang các lớp học, trần nhà bong tróc; mái tôn bị mục mùa mưa nước chảy xuống lớp học… Sân trường nhiều chỗ lồi lõm, vào mùa mưa nước ứ đọng, đặc biệt là vị trí trước cổng trường nơi phụ huynh đưa đón học sinh. Theo ban giám hiệu nhà trường, nếu không kịp thời sửa chữa sẽ dễ gây tai nạn cho học sinh, không bảo đảm môi trường dạy và học.
Chậm triển khai đề án mở rộng trường lớp
Trước sự xuống cấp của một số trường học, ngành chức năng đã vào cuộc. Cụ thể, UBND quận Hải Châu đã khảo sát thực tế hiện trạng cơ sở 1 của Trường Tiểu học Phù Đổng và yêu cầu nhà trường sửa chữa nhỏ để bảo đảm an toàn cho học sinh. Ở những phòng học không bảo đảm an toàn, UBND quận yêu cầu nhà trường không tổ chức dạy học để tránh nguy hiểm. UBND quận Liên Chiểu cũng cấp kinh phí để Trường Tiểu học Duy Tân sửa chữa một số hạng mục nhằm duy trì việc dạy học trong khi chờ triển khai xây dựng mới. Tương tự, Quận ủy, UBND quận Cẩm Lệ cũng vừa đến kiểm tra thực tế Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những sửa chữa nhỏ, để bảo đảm cho công tác dạy và học, phụ huynh đề nghị các ngành chức năng đẩy nhanh triển khai Đề án “Xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025”, ưu tiên những trường học xuống cấp nặng, những trường học quá tải. Bởi theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, đến tháng 10-2022, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 76 công trình với tổng mức đầu tư 1.553 tỷ đồng. Trong đó, có 17 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 15 công trình đang triển khai và 44 công trình đang triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư như phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu.
Đến nay, đã gần 2/5 thời gian thực hiện đề án, nhưng nhiều công trình đang còn ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Số công trình đã hoàn thành ước đạt 350 tỷ đồng, tương đương 8% giá trị đề án được duyệt. Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của thành phố chi cho ngành giáo dục là 1.141 tỷ đồng, trong đó chi xây lắp 1.126 tỷ đồng, đền bù giải tỏa 15 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn bố trí đạt 25,6% so với đề án được duyệt và 15% so với đề xuất bổ sung của ngành giáo dục và UBND các quận, huyện.
Theo Sở GD&ĐT, việc chậm triển khai đề án là do một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, về đất xây dựng trường học, hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch các phân khu, chưa triển khai quy hoạch chi tiết. Cùng với quỹ đất công rất hạn chế, việc chọn địa điểm để đề xuất đầu tư xây dựng mới cơ sở giáo dục gặp rất nhiều trở ngại. Mục tiêu ban đầu của đề án là phát triển trường mới để giảm tải cho các cơ sở giáo dục đã không thực hiện được. Ngoài ra, một số vị trí đất quy hoạch xây dựng trường học đang vướng các khâu giải tỏa, đền bù nên chưa triển khai được như một số trường học thuộc quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu và Trường THPT Hòa Vang cơ sở 2. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khiến đề án chậm triển khai là khả năng cân đối vốn trung hạn.
“Sở GD&ĐT đề nghị UBND thành phố chỉ đạo sớm hoàn thành các quy hoạch, trong đó ưu tiên bố trí đất để phát triển các trường học mới nhằm giảm tải cho các trường hiện có. Ưu tiên cân đối vốn trung hạn, để bù đắp cho hai năm 2021 - 2022; dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm mỗi năm bố trí cho đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Đồng thời, chỉ đạo UBND các quận, huyện và các ban quản lý dự án tập trung tháo gỡ các vướng mắc thuộc lĩnh vực đầu tư và xây dựng và đền bù giải tỏa để đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án”, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết.
NGỌC HÀ