Nhiều năm qua, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; huy động các nguồn lực và kết nối các bên liên quan để thực hiện mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.
Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng đón nhận Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2020. Ảnh nhà trường cung cấp |
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo
Trước xu thế hội nhập toàn diện, sâu rộng, từ năm 2006, nhà trường mạnh dạn cắt giảm số lượng sinh viên hệ vừa làm vừa học và là một trong những trường sớm chuyển sang hệ đào tạo tín chỉ. Nhờ đó, kết quả đào tạo chuyển biến tích cực. Số lượng sinh viên tốt nghiệp khá giỏi hằng năm đạt 70%-75%. Tính chủ động trong học tập của sinh viên được nâng cao rõ rệt. Trình độ ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt và vượt chuẩn đầu ra yêu cầu trình độ ngoại ngữ bậc 3/6 - 4/6 theo khung quy định hiện hành, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy, cải tiến, cập nhật chương trình phù hợp hơn với nhiệm vụ trong tình hình mới. PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết, giai đoạn trước năm 2011, khung chương trình đào tạo còn nhiều điểm lúng túng, thiếu cập nhật.
Từ năm 2011, nhà trường đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng các quy định của Luật Giáo dục đại học, khung trình độ quốc gia Việt Nam, chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tiến gần đến những chuẩn mực đào tạo của các nước tiên tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Việc cải tiến chương trình đào tạo được thực hiện cho cả 3 trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Cũng trong năm 2011, song song với các chương trình đào tạo truyền thống, trường có 3 chương trình chất lượng cao trình độ đại học là Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện và Xây dựng Cầu đường. Đến năm 2021, nhà trường xây dựng 16 chương trình chất lượng cao với đầy đủ các chuyên ngành đào tạo. Việc đầu tư tập trung trong phân tầng giúp cải thiện điều kiện học tập, nâng cao chất lượng theo yêu cầu của xã hội.
Ngoài ra, đội ngũ giảng viên được đào tạo đổi mới phương pháp giảng dạy từ các dự án HEEAP, TRIG; được tập huấn phát triển 16 chương trình đào tạo chất lượng cao dựa trên phương pháp tiếp cận CDIO, định hướng kiểm định chất lượng theo ABET và học tập qua dự án PBL (Project Based Learning).
Trong đó, mô hình “Học theo dự án” của Trường ĐH Bách khoa được triển khai từ khóa tuyển sinh năm 2018 cho 14 chương trình đào tạo chất lượng cao đã mang lại hiệu quả tích cực. Việc triển khai “Học theo dự án” một cách có hệ thống của nhà trường là một cuộc thay đổi toàn diện và triệt để từ chương trình đến phương pháp giảng dạy, tổ chức giảng dạy, kiểm tra.
Đây cũng là điểm mới mà hiện nay vẫn chưa có trường ĐH nào tại Việt Nam áp dụng một cách có hệ thống trong toàn bộ chương trình đào tạo, từ các năm đầu đến năm cuối. Đến nay, mô hình “Học theo dự án” này đã lan tỏa cho tất cả các chương trình đào tạo truyền thống, chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư PFIEV trong toàn trường.
Trường ĐH Bách khoa sớm tham gia kiểm định chất lượng giáo dục để minh định giá trị, khẳng định học hiệu của mình. Tháng 6-2016, nhà trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) ĐH Quốc gia Hà Nội công nhận đạt chất lượng giáo dục. Tháng 6-2017, được Tổ chức KĐCLGD châu Âu HCERES công nhận đạt chất lượng giáo dục.
Nhà trường có 15 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn AUN-QA, 3 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Pháp - Việt (PFIEV) đạt tiêu chuẩn CTI, trong đó có 2 chương trình tiên tiến đạt tiêu chuẩn AUN-QA chu kỳ 2, 2 chương trình kỹ sư Chất lượng cao PFIEV đạt tiêu chuẩn kiểm định CTI chu kỳ 3 và 1 chương trình đạt tiêu chuẩn CTI chu kỳ 4.
Để đáp ứng các chương trình đào tạo, nhà trường quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên môn, trình độ cao. Những năm qua, tận dụng các nguồn học bổng như Dự án 322 và 911 của Chính phủ Việt Nam, học bổng của các chính phủ và các trường đại học nước ngoài, nhà trường đã có nhiều chính sách khuyến khích đội ngũ giảng viên trẻ tích cực bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi đi đào tạo sau đại học ở các nước.
Số giảng viên đi học ở nước ngoài tăng nhanh qua từng năm, hơn 10 năm qua (2011 - 2021) số giảng viên đã và đang học tập ở nước ngoài là hơn 150 người, tại hơn 30 quốc gia, chủ yếu tập trung ở các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Phần lớn các giảng viên sau khi học tập, quay về trường trở thành lực lượng nòng cốt trong giảng dạy; trong số đó, có nhiều giảng viên đạt trình độ tiến sĩ ở tuổi còn rất trẻ (30-32 tuổi). Đến tháng 7 năm 2021, tổng số giảng viên có trình độ sau đại học đạt 100%. Giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt gần 70%, cao nhất trong toàn ĐH Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trường Đại học Bách Khoa ký kết hợp tác với Fujikin vào tháng 9-2022. Ảnh do nhà trường cung cấp |
Nhà trường xây dựng cơ sở vật chất khang trang với 2 khu nhà làm việc, trong đó khu nhà đa năng được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2018 với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; 5 khu giảng đường có hơn 130 phòng học, cùng hệ thống phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, phòng máy tính hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Nhiều phòng thí nghiệm được trang bị mới với các thiết bị hiện đại như: Phòng thí nghiệm lọc hóa dầu, Viện công nghệ cơ khí và tự động hóa, Phòng thí nghiệm điện tử - viễn thông chương trình tiên tiến, Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong AVL, Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học...
Với đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nhà trường đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành đơn vị chủ chốt và đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu của đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Bộ GD&ĐT, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Hướng đến đại học nghiên cứu
Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Bách khoa trong những năm qua đã trở thành phong trào rộng lớn không chỉ trong cán bộ, giảng viên mà còn thu hút đông đảo sinh viên tích cực tham gia, số đề tài tăng dần qua từng năm.
Từ 50 đề tài thực hiện trong năm 2011, đến năm 2013 tổng số đề tài là 64 và đã nhanh chóng tăng đều các năm. Đến năm 2021, số đề tài đã thực hiện với 72 đề tài, trong đó có 4 đề tài cấp bộ, 10 đề tài của Vinif và doanh nghiệp, 3 đề tài với các địa phương, 55 đề tài cấp cơ sở.
Việc tăng mạnh số lượng đề tài nghiên cứu khoa học trong 10 năm qua, đặc biệt là trong các năm 2019 và 2020, chủ yếu tập trung vào các đề tài cấp Nhà nước, Nafosted, đề tài cấp bộ, đề tài cấp tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, mỗi năm, nhà trường có hàng trăm bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và trên thế giới. Trong 10 năm qua, có gần 1.200 bài báo được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus.
Nhà trường là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều đề tài khoa học, phát minh sáng chế của giảng viên, sinh viên nhà trường đã nhận được các giải thưởng cao các cấp.
Cụ thể, đạt 4 bằng phát minh quốc tế, 12 bằng phát minh sáng chế trong nước, 8 giải thưởng VIFOTEC, 4 giải thưởng hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, 1 giải thưởng L’Oreal-Unesco Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong khoa học, 6 giải thưởng hội thi sáng tạo thành phố Đà Nẵng, 8 giải thưởng khoa học công nghệ quốc tế khác nhau. Nổi bật nhất là trong những năm gần đây, nhà trường đã nhận Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động khoa học công nghệ.
Hoạt động sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh đáng kể thông qua chính sách hỗ trợ trong việc đăng ký thực hiện đề tài NCKH và khen thưởng khi có các bằng sở hữu trí tuệ được công nhận. Trong những năm gần đây, số lượng đơn nộp và được công nhận số lượng tăng lên nhiều. Điển hình trong năm học vừa qua, nhà trường có 10 đơn được chấp nhận và 1 đơn được công nhận của Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đáng chú ý, nhiều đề tài NCKH đã được chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp bên ngoài, mang lại hiệu quả, phục vụ sự phát triển khoa học kỹ thuật của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Các công trình lớn trong nhiều lĩnh vực như: xây dựng, cầu đường, năng lượng, hóa chất... đều có sự đóng góp, tham gia tích cực của cựu sinh viên nhà trường, điển hình như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất(Quảng Ngãi), Tổng Công ty Đường Quảng Ngãi, Công ty Sữa Vinasoy Quảng Ngãi, dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn, công trình thủy điện Sơn La, công trình cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng.
Các kết quả NCKH của nhà trường được ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Điển hình, trong năm 2020-2021 khi Covid-19 bùng phát, nhà trường đã cho ra đời các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 như: robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm trong bệnh viện, máy rửa tay sát khuẩn tự động;cabin chở bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly... Những đóng góp tích cực của nhà trường vào việc phòng, chống Covid-19 đã được địa phương và các bộ, ngành ghi nhận.
Bên cạnh hoạt động NCKH, hợp tác quốc tế được xem là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Trường ĐH Bách khoa thành ĐH nghiên cứu. Hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường được thể hiện thông qua số lượng các văn bản hợp tác (MOU) đã được ký kết cũng như việc triển khai các hoạt động chung như đồng tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, công bố các công trình khoa học.
Từ năm 2011 đến nay, nhà trường đã có 160 văn bản hợp tác được ký kết. Hằng năm, có hàng trăm hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế được nhà trường tổ chức cũng như tham gia báo cáo. Thành quả của hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo ra những đột phá trong NCKH và đào tạo.
Sinh viên tham gia BK Techshow do nhà trường tổ chức. Ảnh nhà trường cung cấp |
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, nhà trường xác định xây dựng chiến lược phát triển trong trung và dài hạn phải bám vào 4 trụ cột chính: thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới; đa dạng hóa các phương thức đào tạo, đẩy mạnh NCKH chất lượng quốc tế, tăng cường gắn kết cộng đồng và đổi mới xã hội; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển bền vững nhà trường để đạt được sứ mệnh và tầm nhìn.
Trong quá trình xây dựng chiến lược, nhà trường căn cứ vào phân tích bối cảnh giáo dục đại học trong nước; nhận định xu thế giáo dục đại học khu vực ASEAN và thế giới; căn cứ cơ sở pháp lý của giáo dục đại học Việt Nam; kết quả thực hiện chiến lược giai đoạn 2015-2020; phân tích cơ hội và thách thức cùng với điểm mạnh và điểm tồn tại.
Nhà trường phát triển các chỉ số chính (KPI) gắn với chiến lược phát triển trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035. Bộ chỉ số này phù hợp với các chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển của ĐH Đà Nẵng, không xa lạ với khu vực, thế giới, là một bộ phận của mục tiêu chiến lược phát triển bền vững toàn cầu được đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi các mục tiêu của giáo dục đại học thay đổi rất nhanh.
Giảng viên Trường ĐH Bách khoa nhận giải thưởng NCKH của thành phố Đà Nẵng. Ảnh nhà trường cung cấp |
“Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; tự đánh giá và thường xuyên cải tiến chất lượng chương trình đào tạo; đăng ký kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo; rà soát và xây dựng chiến lược phát triển nhà trường một cách khoa học, hợp lý; huy động các nguồn lực và kết nối các bên liên quan để thực hiện mục tiêu đã đề ra trong công tác quản trị, quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.
Đó là chủ trương xuyên suốt nhằm hoàn thành sứ mạng của nhà trường là cơ sở giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ; thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên, trong nước và quốc tế; tầm nhìn đến năm 2035, trở thành đại học nghiên cứu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chủ động hợp tác toàn cầu trong giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội trong nước và thế giới”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết.
Trường ĐH Bách khoa được thành lập vào năm 1975 ngay sau khi giải phóng miền Nam. Tháng 4-1994, ĐH Đà Nẵng được thành lập theo quyết định của Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Bách khoa được đổi tên thành Trường ĐH Kỹ thuật. Đến năm 2004, theo Quyết định số 1178/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 9-3-2004 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Kỹ thuật được đổi tên thành Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng. |
Đào tạo hơn 50.000 kỹ sư, cử nhân; 1.200 tiến sĩ, thạc sĩ Nhà trường không ngừng nỗ lực đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhờ vậy đã thu hút nhiều sinh viên. Chỉ tiêu tuyển sinh thực hiện hàng năm giữ ổn định khoảng hơn 3.000. Tổng quy mô đào tạo hằng năm ổn định, khoảng 16.000 nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên. Qua hơn 47 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo hơn 50.000 kỹ sư, cử nhân; 1.200 tiến sĩ, thạc sĩ. |
NGỌC HÀ