Phấn khởi đón năm học mới 2023-2024

.

Năm học 2023-2024, quận Ngũ Hành Sơn đầu tư hơn 50 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn. Đồng thời, làm tốt công tác tuyển dụng, phân bổ giáo viên giúp học sinh, thầy cô giáo bước vào năm học mới vui tươi, phấn khởi.

Cô và trò Trường Tiểu học Lê Văn Hiến sẵn sàng đón năm học mới.  Trong ảnh: Cô giáo dặn dò các em học sinh khối lớp 5 chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2023-2024. Ảnh: N.QUANG
Cô và trò Trường Tiểu học Lê Văn Hiến sẵn sàng đón năm học mới. TRONG ẢNH: Cô giáo dặn dò các em học sinh khối lớp 5 chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2023-2024. Ảnh: N.QUANG

Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa Nguyễn Tiến Hiệp chia sẻ, năm học 2023-2024, nhà trường có 24 lớp với 1.047 học sinh, tăng 3 lớp so với năm học 2022-2023. Ngay trong dịp hè nhà trường đã kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất để bảo đảm hiệu quả khai thác nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nhà trường đã sửa chữa hệ thống điện, quạt, bàn ghế bị hư và cải tạo nhà truyền thống diện tích 60m2; đầu tư lắp đạt 46 máy tính mới để phục vụ giảng dạy. Đồng thời, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo hướng dẫn của Đội Cảnh sát PCCC Công an quận, từ đó bảo đảm an toàn, tránh tình trạng cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Theo Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Lê Văn Hiến Phùng Minh Ngọc, năm học 2023-2024, nhà trường có 25 lớp học với 856 học sinh. Trong năm học mới, nhà trường được UBND quận đầu từ hơn 4,5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa nhiều hạng mục như: sửa chữa các khối lớp học, hệ thống cửa, nhà vệ sinh, nhà để xe…

Hiện nay, các hạng mục đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. “Nhờ được UBND quận quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, sớm bố trí giáo viên giảng dạy, năm học 2023-2024, nhà trường bảo đảm công tác giảng dạy 2 buổi/ngày. Năm học 2023-2024, nhà trường quyết tâm hoàn thành tốt việc dạy và học, tạo điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện”, thầy Ngọc nói.

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, năm học 2023-2024 toàn quận có 38 trường (24 trường mầm non, 9 trường tiểu học và 5 trường THCS). Theo thống kê, cấp mầm non đã tuyển 2.585 học sinh, tỷ lệ 106,8%; cấp tiểu học tuyển 1.694 học sinh, đạt tỷ lệ 93,1%; cấp THCS tuyển 1.984 học sinh, tỷ lệ 96,3% so với chỉ tiêu giao. Ngay từ tháng 7-2023, UBND quận đã chỉ đạo các trường tập trung rà soát và có kế hoạch sửa chữa hệ thống phòng học, nhà vệ sinh, thiết bị điện và thay thế bàn ghế hư hỏng.

Theo ông Bình, hầu hết các trường học trên địa bàn quận đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, khắc phục tình trạng xuống cấp của các khối lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. UBND quận chỉ đạo Phòng Nội vụ tham mưu bảo đảm phân bổ đủ chỉ tiêu giáo viên cho các trường theo quy định. Đồng thời, tuyển dụng giáo viên hợp đồng lao động trước năm học mới để bảo đảm số lượng giáo viên đứng lớp.

Trong tháng 8-2023, Thường trực Quận ủy, UBND quận tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế tại 8 đơn vị trường học có đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất do quận làm chủ đầu tư; yêu cầu đơn vị thi công các công trình sửa chữa đúng tiến độ, bàn giao trước thềm năm học. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các trường nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động nhân lực dọn dẹp vệ sinh trường lớp khang trang, sạch đẹp, chủ động rà soát lại các trang thiết bị để phục vụ công tác dạy và học.

Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Cao Thị Huyền Trân chia sẻ, trước năm học mới 2023-2024, Thường trực Quận ủy làm việc với ngành giáo dục quận. Qua đó, chỉ đạo ngành giáo dục, các trường học tập trung rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết và chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức khai giảng năm học mới; nghiên cứu đổi mới chương trình khai giảng theo phương châm ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, lấy học sinh làm trung tâm.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng gắn với vị trí việc làm, bảo đảm sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng. Thực hiện phân bổ giáo viên đúng các tiêu chí theo quy định, đủ về số lượng, có điều tiết hợp lý nhằm tránh xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường. Riêng đối với các khoản thu đầu năm tại các trường phải thực hiện nghiêm túc bảo đảm thu đúng, giãn thu theo quy định, thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách đối với học sinh.

Đối với các trường có tổ chức bữa ăn bán trú tại trường phải chú trọng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn, thực hiện bếp ăn một chiều. “Quận ủy đã giao UBND quận chỉ đạo các địa phương thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, không để xảy ra tình trạng người dân tự tổ chức ăn trưa cho học sinh tại nhà ở khu vực gần trường. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ gia đình”, bà Trân nói.

NGỌC PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.