LTS: Chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, trong khuôn khổ Ngày hội Sử học năm nay, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng đã tổ chức một tọa đàm khoa học với chủ đề Đà Nẵng trên hành trình giao lưu quốc tế. Báo Đà Nẵng giới thiệu một bài viết liên quan đến sinh hoạt học thuật này.
Đạo diễn Dương Mộng Thu và giải thưởng Ogawa Shinsuke - giải cao nhất trong hạng mục Phim tài liệu châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata tại Nhật Bản năm 2013. |
Trong quá trình phát triển thành đô thị hiện đại, Đà Nẵng luôn có ý thức gầy dựng những mối giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao... và cả lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
Các di sản có nguồn gốc bản địa Đà Nẵng liên quan đến nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Chămpa rõ ràng là sản phẩm của quá trình giao lưu với nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Ấn Độ. Sang nửa sau thế kỷ XX, phong cách kiến trúc Ấn Độ vẫn còn được người Đà Nẵng tiếp biến khi xây dựng Tam Bảo tự - ngôi chùa Nam Tông trên đường Phan Châu Trinh.
Đặc biệt, từ khi Đà Nẵng trở thành đô thị nhượng địa Tourane, hầu hết di sản liên quan đến nghệ thuật kiến trúc đương thời ở thành phố bên sông Hàn là sản phẩm của quá trình giao lưu tiếp biến với nghệ thuật kiến trúc Pháp. Điều đáng nói, trong quá trình giao lưu với nghệ thuật kiến trúc Pháp, người Đà Nẵng sớm chủ động tiếp biến cái khác mình - theo nhà nghiên cứu lịch sử Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), NXB Nam Việt, Hoa Kỳ, 2007, nhà thầu xây cất Tòa Đốc lý Tourane và một số công trình kiến trúc theo phong cách kiến trúc phương Tây khác ở Đà Nẵng thời Pháp thuộc là ông Nghè Võ Văn Giá.
Trong giao lưu quốc tế về kiến trúc ở Đà Nẵng, còn có thể ghi nhận Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng từ năm 1915 như một sản phẩm giao lưu nghệ thuật độc đáo do được thiết kế theo phong cách pha trộn giữa đường nét cổ điển châu Âu với đường nét kiến trúc Ấn Độ/Chămpa.
Người Đà Nẵng cũng sớm tiếp cận với nghệ thuật nhiếp ảnh và nghệ thuật điện ảnh từ phương Tây. Chỉ 7 năm sau khi Louis Daguerre khám phá ra kỹ thuật chụp ảnh trên bảng đồng, nhiếp ảnh gia Pháp Alphonse Jules Itier đi theo phái đoàn Théodore de Lagrenée trên đường qua Trung Quốc để chụp ảnh ghi lại sự kiện ký hiệp ước giữa Pháp và Trung Quốc năm 1844, đã ghé Đà Nẵng và để lại một bức ảnh chụp đồn lính Việt Nam- bức ảnh đầu tiên chụp theo phương pháp Daguerre/Daguerreotype ở nước ta.
Cũng vậy, sau khi sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895, chỉ một năm sau, Auguste Lumière và Louis Lumière đã cử Gabriel Veyre đến làng ven biển Nam Ô để quay các trẻ em chạy chung quanh Gabriel Veyre lúc đang ngồi trên kiệu cầm máy quay phim vào làng.
Đây được xem là phim đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, quay thành 2 đoạn ngắn với thời lượng chưa đầy 2 phút, có tựa đề Le Village de Namo - Panorama pris d’une chaise à porteurs, sau đó được chiếu vào năm 1900 ở nhiều nơi trên nước Pháp và châu Âu trong những năm đầu tiên của lịch sử điện ảnh thế giới. Chính nhờ tiếp cận sớm với nghệ thuật thứ bảy nên các cuộc giao lưu quốc tế của giới làm phim ở Đà Nẵng hiện nay - chủ yếu thông qua các tuần lễ phim nước ngoài - diễn ra thường xuyên hơn so với những loại hình nghệ thuật khác.
Người làm phim Đà Nẵng từng “mang phim đi chiếu xứ người” và gặt hái nhiều thành tựu trong nghề, chẳng hạn năm 2013 phim Chiếc chiếu của bà Bứa (Mrs Bua’s Carpet) của đạo diễn Dương Mộng Thu đoạt giải Ogawa Shinsuke - giải cao nhất hạng mục phim tài liệu châu Á tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Yamagata... Trước đó, tại LHP tài liệu quốc tế Jean Rouch 2012 ở Paris, Chiếc chiếu của bà Bứa đã được một thư viện công của Pháp mua bản quyền.
Và mang “chuông” điện ảnh Đà Nẵng đi “đánh xứ người”, ngoài Dương Mộng Thu sang Nhật còn có đạo diễn Đoàn Hồng Lê từng qua Pháp với Đất đai thuộc về ai - phim đoạt giải ba tại LHP Cameras des Champs năm 2011 và sang Hàn Quốc với Lời cuối của cha - phim được trao giải thưởng trong hạng mục “Dự án phim tài liệu dài” tại LHP quốc tế DMZ 2015. Cả hai phim tài liệu này đều được làm theo phong cách Varan- phong cách điện ảnh trực tiếp/cinema direct...
Nghệ thuật sân khấu hiện đại ở Đà Nẵng cũng có cơ hội giao lưu quốc tế sớm - từ đầu thế kỷ XX. Năm 1904, Claude Bourrin - tới Đông Dương năm 1898, làm công chức ngành thuế nhưng đam mê văn học và kịch nghệ, trở thành giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội ngay khi nhà hát này khai trương - lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu ở Đà Nẵng trong vở hài kịch Tourane Revue với tư cách một nghệ sĩ hài nghiệp dư.
Trong cuốn Đông Dương ngày ấy 1898-1908 (bản dịch tiếng Việt của Lưu Đình Tuân, NXB Lao Động, 2009), Claude Bourrin kể về sân khấu Đà Nẵng năm 1904: “Ở Đà Nẵng không có nhà hát, bù lại ở đây có một câu lạc bộ của người Pháp rất năng động. Khi tôi tới thì vừa khéo câu lạc bộ đang chuẩn bị một vở kịch ngắn cho lễ hội hằng năm (...) Còn 8 ngày nữa thì câu lạc bộ cho ra mắt vở Tấn kịch Đà Nẵng (Tourane Revue). Chính trong khoảng thời gian đó, chủ tịch câu lạc bộ là ông Escande, Giám đốc Bưu điện Trung Kỳ, tới gặp tôi đề nghị đóng thay cho một diễn viên phải vào bệnh viện (...) Thế là lần đầu tiên tôi xuất hiện trên sân khấu trong vở Tấn kịch Đà Nẵng”.
Qua cuốn sách, độc giả còn được biết trong mấy tháng công tác ở Đà Nẵng, Claude Bourrin đã cùng với các thành viên người Pháp của câu lạc bộ kịch nghệ Đà Nẵng dàn dựng một số vở kịch của Georges Courteline, và bản thân Claude Bourrin cũng thử bút với kịch bản đầu tay: vở kịch châm biếm hai màn Blancs et jaunes (Da trắng và da vàng). Câu chuyện giao lưu nghệ thuật sân khấu hiện đại ở thành phố bên sông Hàn hơn một thế kỷ trước do Claude Bourrin kể lại càng giúp người Đà Nẵng tự tin hơn khi đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất vào tháng 7-2018.
Đương nhiên nhắc đến giao lưu quốc tế trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, không thể không nhắc đến quá trình giao lưu của các nhà văn, nhà thơ Đà Nẵng. Có lẽ người tiếp cận/tiếp biến văn chương Pháp vào loại sớm ở Đà Nẵng là nhà văn Huỳnh Thị Bảo Hòa - được xem là một trong 2 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ (cùng với Đạm Phương nữ sử ngoài Huế - tác giả tiểu thuyết Kim Tú Cầu).
Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa viết ở Đà Nẵng vào mùa thu năm Bính Dần 1926, năm 1927 được in thành 2 tập, trang bìa có hình bán thân một phụ nữ Pháp cổ đeo chuỗi hạt trai. Cuốn tiểu thuyết này được cụ Huỳnh Thúc Kháng viết lời tựa, nhà thơ Tản Đà viết lời đề tặng, nhà báo Bùi Thế Mỹ viết lời bạt, chủ bút tờ Đông Pháp thời báo Diệp Văn Kỳ giới thiệu ở mục điểm sách trên tờ Đông Pháp thời báo số 635, ra ngày 14-10-1927.
Điểm đáng chú ý là mặc dù còn mang dấu ấn của thi pháp tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc nhưng Tây phương mỹ nhơn thể hiện rõ ảnh hưởng của văn hóa Pháp, chẳng hạn không gian nghệ thuật của Tây phương mỹ nhơn được mở rộng sang tận nước Pháp và nhân vật trung tâm của tác phẩm là Bạch Lan - một cô gái phương Tây.
Có thể nói, đây là lần thứ hai một phụ nữ phương Tây xuất hiện đầy ấn tượng trong văn chương người Việt, sau người thiếu phụ Tây phương - Tây Dương thiếu phụ y như tuyết/ Thiếu phụ Tây Dương áo trắng phau - trong bài thơ Dương phụ hành của Cao Bá Quát.
Những thập niên gần đây, các nhà văn, nhà thơ Đà Nẵng không ngừng mở rộng giao lưu quốc tế để có thể tiếp cận/tiếp biến với những thành tựu mới của văn chương thế giới, nổi bật là của văn chương Nga Xô viết, Nhật Bản, Ấn Độ...
Một số cuộc trò chuyện về văn chương nước ngoài được tổ chức ở Đà Nẵng, tiêu biểu như buổi tọa đàm về chủ đề Tiếp nhận văn học nước ngoài trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế hồi tháng 9-2009 với diễn giả là GS. Mitsuyoshi Numano đến từ Trường Đại học Tokyo. GS. Mitsuyoshi Numano đã trao đổi nhiều vấn đề lý luận văn học rất thú vị như mối quan hệ giữa lý luận văn học với sáng tác văn chương ở Nhật Bản; lý luận văn học tác động như thế nào đến các nhà văn Nhật Bản trong quá trình lao động nghệ thuật; mối quan hệ giữa phê bình văn học với sáng tác văn chương ở Nhật Bản; ở Việt Nam có một thời phê bình văn học được xem là cây roi để quất cho con ngựa sáng tác văn chương lồng lên, vậy ở Nhật Bản từng có một quan niệm tương tự hay không; mối quan hệ giữa văn học và chính trị trong văn học Nhật Bản.
Từ năm 1987, các nhà văn, nhà thơ Đà Nẵng đã sớm tiếp cận với thể loại tiểu thuyết phi hư cấu qua tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của nhà văn nữ Belarus Svetlana Alexievich - người vừa được trao tặng giải Nobel Văn chương năm 2015. Có thể nói, dịch thuật văn học cộng với văn hóa đọc được đề cao là con đường ngắn nhất để người Đà Nẵng tiếp cận với văn chương thế giới.
“Mang chuông đi đánh xứ người” thường xuyên nhất chính là các nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật. Sự phát triển của công nghệ liên quan đến nhiếp ảnh trong thiên niên kỷ mới đã chắp cánh cho nghệ thuật của những khoảnh khắc, giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh thành phố nhanh chóng vươn đến trình độ quốc tế. Tài năng cộng thêm một chút may mắn trong nghề đã đưa Thân Nguyên vào vị trí quán quân trong danh mục các nghệ sĩ nhiếp ảnh nói riêng, văn nghệ sĩ Đà Nẵng nói chung đoạt giải quốc tế. |
BÙI VĂN TIẾNG