Cần sớm triển khai bảo tồn đình Xuân Thiều

.

Đình Xuân Thiều được dân làng Xuân Thiều, xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (cũ) xây dựng từ năm Ất Dậu 1825 thời vua Minh Mạng, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Khi liên quân Pháp, Tây Ban Nha ở trên những con tàu chiến neo đậu tại Vịnh Đà Nẵng nã những phát đạn đầu tiên vào đất liền rồi ồ ạt đánh chiếm Đà Nẵng thì nhân dân quanh vùng đã vận chuyển lương thực, thực phẩm về tập trung tại đình Xuân Thiều để cung cấp cho binh lính của tướng Nguyễn Tri Phương, triều đình nhà Nguyễn chiến đấu, bảo vệ giang sơn, bờ cõi.

Kế tiếp là thời vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã chỉ huy lực lượng tấn công vào Tòa Khâm sứ của Pháp ở Huế vào đêm 4-7-1885 nhưng bị thất bại, một bộ phận quân lính của triều đình tan rã, chạy vào các tỉnh phía Nam tìm nơi trú tránh.

Biết được chuyện này, dân làng Hòa Hiệp liền tổ chức tìm kiếm và đưa họ về tập trung tại đình Xuân Thiều chăm sóc cho sức khỏe bình phục rồi tìm cách giúp đỡ, đưa về lại nơi quê quán, người thân…

Trải qua bao biến cố, thăng trầm, chiến tranh, giặc giã cũng như sự tàn phá của thời gian, đình Xuân Thiều bị hư hỏng nặng, trước đó đã sửa chữa nhiều lần và năm 1961, dân làng huy động nguồn lực tiếp tục tu sửa lại đình, các hàng cột gỗ được thay bằng cột bê-tông cốt thép, mái vẫn lợp lại ngói âm dương, trên nóc là hình “lưỡng long chầu nguyệt”.

Hai bên tả, hữu có hai bàn thờ, phía trên của hai án hương là hai bức tranh đắp nổi hình con rồng và con hổ mà các cụ ngày xưa thường gọi là “tả thanh long, hữu bạch hổ” với hàm ý về sự uy nghi và sức mạnh phi thường của loài long-hổ nhằm bảo vệ, canh giữ cuộc sống bình yên cho dân làng.

Đình gồm có tiền đường và hậu tẩm, tiền đường dài 12,4 mét, rộng 9,6 mét, bốn bàn thờ tiền hiền và tín ngưỡng tâm linh được bài trí ở hai bên. Phần hậu tẩm rộng 3 mét, dài 3,2 mét, có một bàn thờ chính. Trước cửa hậu có bốn chữ nho khá lớn “Thiên thu trường tại”. Tổng diện tích sân đình Xuân Thiều là 652,5m2. Bức bình phong đắp nổi ở phía trước hình hổ vàng, mặt sau hình long chầu.

Đình Xuân Thiều. 						       Ảnh: THÁI MỸ
Đình Xuân Thiều. Ảnh: THÁI MỸ

Đình Xuân Thiều chìm nổi theo bao thời cuộc đổi thay và dân làng bao giờ cũng coi đình Xuân Thiều là nơi trang trọng, thiêng liêng, là biểu tượng của làng quê, nơi diễn ra các buổi sinh hoạt cộng đồng rất gần gũi, thân thương về tâm linh cũng như sự giao lưu, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, đình Xuân Thiều là nơi được tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng thôn Xuân Thiều, sau đó là điểm tập trung bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Có thời gian, bộ đội địa phương và du kích lấy đình Xuân Thiều làm địa điểm tập trung, triển khai các phương án để mật phục chặn đánh giặc Pháp trên quốc lộ 1A khi chúng vừa tràn qua khỏi đèo Hải Vân.

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đình Xuân Thiều là nơi đấu tranh chính trị, nhân dân các thôn trong xã Hòa Hiệp tập trung về đây mang theo cờ cách mạng rồi xuống đường biểu tình, bao vây đồn giặc Xuân Thiều, dàn hàng ngang để cản đầu xe tăng không cho chúng đi càn quét; do đó địch xả súng làm 4 người hy sinh.

Năm 1973, do chính quyền Sài Gòn không tuân thủ Hiệp định Paris, mở các cuộc càn quét bắn phá, lấn chiếm, giành đất, bộ đội cũng lấy đình Xuân Thiều làm điểm tập trung để chống càn.

Khi đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) được hình thành thì mặt đường cao hơn nền đình 1 mét, vỉa hè ép sát tường đình Xuân Thiều nên đơn vị thi công phải xây bờ kè để chống sạt lở. Năm 2015, quận Liên Chiểu đề nghị di dời đình về địa điểm mới ở đường Nguyễn Bá Phát, cách đó chừng 700 mét, song có nhiều luồng dư luận khác nhau nên UBND thành phố chỉ đạo giữ lại để chỉnh trang.

Ngày 29-10-2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 7500/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng đình Xuân Thiều, trong đó có hệ thống giao thông, kiệt, hẻm, thoát nước. Nghị quyết kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX vào tháng 12-2016 nêu rõ:

“Có phương án xử lý tình trạng thấp trũng và xem xét công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với đình Xuân Thiều và hoàn thành trong quý 2 năm 2017”. Nghị quyết của HĐND thành phố là thế nhưng đến nay các đơn vị chức năng vẫn chưa có biện pháp can thiệp nào cho đình Xuân Thiều.

Thiết nghĩ, với những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, chính quyền địa phương và các cấp, ngành liên quan cần sớm triển khai các giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa mà cha ông để lại.

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.
.