ĐNO - Sáng 18-11, sau hơn 6 tháng thi công với kinh phí trên 4 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, đình làng Lỗ Giáng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) được khánh thành.
Lễ cắt băng khánh thành đình làng Lỗ Giáng |
Làng Lỗ Giáng được thành lập từ đời Lê Thánh Tông 1476 do các vị tiền hiền của các tộc: Dương, Hồ, Nguyễn, Phạm, Lê từ Thanh Hóa, Nghệ An di cư vào lập nghiệp. Đến nay, có 26 chi phái tộc cùng sinh hoạt trong một đình làng.
Cùng với việc lập làng, đình và nhà thờ tiền hiền cũng được xây dựng; ban đầu dựng theo lối chòi bằng thanh tre, gồm 4 cột, 2 kèo, mái lợp tranh, phần dưới để trống, phần trên làm nơi thờ cúng. Sau đó, đình và nhà thờ tiền hiền đã qua 6 lần trùng tu, tôn tạo.
Đến năm Bảo Đại (1926), đình làng mở rộng, kiến trúc theo lối tam gian nhị hạ, có 36 cột, 4 mái lợp ngói âm dương; có cổng tam quan, gian giữa có 3 chữ “Lỗ Đình Môn” rồi đến bình phong cùng với sân ngoài, sân trong tiền đường chánh điện và hậu tẩm.
Từ năm 2012, đình làng được quy hoạch với diện tích 22.476m2 (diện tích cũ 1.719m2) gồm có 9 hạng mục: cổng tam quan, cổng trụ biểu, đình làng, nhà thờ tiền hiền, tường rào, nhà trù, nhà hồi hương, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao.
Đình làng được trùng tu, phục dựng 3 lần vào năm 2012, 2016 và 2018 trên nền móng cũ, tất cả họa tiết, phù điêu, mái ngói, màu sơn… đều giữ nguyên vẹn được nét kiến trúc cổ xưa.
Hiện đình làng còn lưu giữ nhiều hiện vật tiêu biểu gồm: 18 sắc phong có niên đại từ đời vua Minh Mạng đến vua Bảo Đại (sắc phong xưa nhất được ban vào năm 1823 từ đời vua Minh Mạng); tấm biển với 4 chữ vàng “Mỹ Tục Khả Gia" (tạm dịch là phong tục tốt đáng khen) được triều đình Huế sắc phong năm Khải Định thứ 10 (1925); 3 tấm biển vàng của 3 tộc Dương, Hồ, Nguyễn cúng năm tu bổ, mở rộng đình làng 1926; 1 tấm biển thép vàng của 2 tộc Lâm, Phan cúng trong lễ khánh thành cổng tam quan (1938), 4 bia đá có ghi niên đại Bảo Đại (1932).
Tin và ảnh: THU THẢO