Suốt mấy ngày nay, cùng với báo chí, trên các diễn đàn văn hóa, nghệ thuật trực tuyến, mạng xã hội và blog cá nhân, đặc biệt của nhiều người trung niên Việt Nam, hai chữ Kim Dung được nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh với trọn niềm nuối tiếc.
Ấy là đông đảo bạn đọc yêu thích dòng tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa tỏ lòng tiếc thương Kim Dung, nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất đến nền văn học hiện đại của nước này, người vừa mất đi ở tuổi 94, để lại “một khoảng trống bàng hoàng” như chữ dùng của một số trang báo Trung Hoa.
(Nguồn: Internet) |
Không ít người thừa nhận, Kim Dung và những tác phẩm của ông, nhất là các nhân vật ông kiến tạo, đã trở thành thần tượng đam mê, mẫu hình phấn đấu cả đời và cảm tình sâu sắc trong tim họ. Nhiều người thừa nhận, họ nhầm tưởng Kim Dung là nhà văn nữ cho đến khi thấy ảnh ông trên web; song không vì thế mà vợi đi sự cảm mến văn tài của ông.
Con người “đại náo một lần”
Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung (6-2-1924 - 30-10-2018), là con của một gia tộc khoa bảng danh giá tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, địa cấp thị Gia Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc). Ông tiếp xúc tiểu thuyết võ hiệp từ năm 8 tuổi, nhất là ấn tượng với tiểu thuyết của nhà văn Cố Minh Đạo, nên đã tiềm ẩn những suy nghĩ và cách lý luận về dòng văn chương này.
Tuổi trẻ của Kim Dung trải qua nhiều sóng gió, tương quan cùng hoàn cảnh thế sự xảy ra chung quanh. Ông làm nhiều nghề, từ phóng viên chuyên châm biếm, bình luận chính trị, “trà dư tửu hậu”, đến dịch giả, quản thủ thư viện, nông trang viên... Ông sáng lập Thái Bình Dương tạp chí và Minh Báo - một tờ báo có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Hồng Kông.
Văn nghiệp của ông chính thức khởi động năm 1955 với tác phẩm Thư kiếm ân cừu lục, đăng ở Hương Cảng tân báo. Với tác phẩm kế tiếp là Bích Huyết Kiếm, cái tên Kim Dung đã nên danh và gắn cuộc đời ông vào vị trí “người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất”.
Ông cùng nhà văn Lương Vũ Sinh được xem là hai người khai tông Tân phái của tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, với cách viết trau chuốt, biến hóa liền lạc giữa hư và thực đầy sáng tạo, ngôn ngữ trong sáng, định hình nhiều yếu tố nghệ thuật và triết lý mới lạ, sâu sắc.
“Tài sản” Kim Dung để lại thật sự là một dấu ấn “đại náo” văn đàn Trung Quốc giai đoạn hiện đại, với 14 bộ tiểu thuyết và 1 truyện ngắn nội dung võ hiệp, đạt hơn 300 triệu bản in chính thức ở Trung Quốc và lan tỏa khắp châu Á, châu Mỹ, dịch ra hàng chục ngôn ngữ, được chuyển thể thành hàng chục bộ phim truyền hình, và đặc biệt là nội dung chính, nguồn cảm hứng cho hàng ngàn trò chơi điện tử thanh-thiếu niên.
Tác phẩm “liên thiên biến hóa”
Với độc giả Việt Nam, tác phẩm Kim Dung được biết đến ở miền Nam, qua các dịch giả như: Từ Khánh Phụng, Hàn Giang Nhạn từ năm 1961. Sau năm 1990, thị trường sách trong nước tái hiện những bản dịch này. Năm 1999, Công ty CP Văn hóa phẩm Phương Nam đạt thỏa thuận bản quyền với nhà văn. Từ đó, các bộ tiểu thuyết Kim Dung được giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam.
Điều quan trọng là dù ở giai đoạn nào, và bản thân dòng tiểu thuyết kiếm hiệp luôn bị xem giải trí rẻ tiền, nhưng tác phẩm Kim Dung luôn thu hút độc giả bởi những tố chất đặc biệt cả về thủ pháp lẫn nội dung. Tính xâu chuỗi chủ đề, mạch nhân vật tương thông... là điểm mạnh ở tiểu thuyết Kim Dung, qua đó tạo hình ảnh “liên thiên biến hóa”.
Văn Kim Dung không kỳ ảo, huyễn tưởng, không có kết cấu, tình tiết “khoa học hình sự” như các bộ tiểu thuyết tiên hiệp, dị hiệp hiện nay, mà rất chân chất, hấp dẫn qua tình tiết gợi mở và sức liên tưởng của người đọc.
Dĩ nhiên với bạn đọc Việt Nam, câu từ dịch giả giữ ưu thế khi thể hiện văn phong đó, song trải nghiệm tình tiết nội dung, tuyến kết cấu nhân vật và xung đột ở các tác phẩm Kim Dung luôn mang lại cho người đọc cảm giác hào sảng hứng thú, niềm tin vào đạo đức, giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống... Những nhân vật của ông luôn được khắc họa rõ nét, định vị với bạn đọc, vừa có tính điển hình cao vừa có tính cá biệt sâu sắc.
Bởi thế, không ít nhà văn nhà báo đã chọn nhân vật Kim Dung làm bút danh. Còn với đại đồng bạn đọc, nhiều tình tiết, mối quan hệ, cá tính nhân vật... ở Kim Dung đã trở thành tiêu chí nhận diện, đặc tả cá nhân hay nhóm người nào đó.
Nhiều người thường nhắc đến một phát biểu được xác định là của Kim Dung: “Cuộc sống này quá nhiều thăng trầm và nỗi buồn. Có người từng hỏi tôi sống như thế nào. Tôi chỉ cười và nói hãy đại náo một trận rồi lặng yên rời đi. Sống cả đời, ra đi tựa sương mai. Đời người cũng như tiểu thuyết võ hiệp”.
Còn một người bạn của ông, là Nghê Khuông đã viện dẫn lại những chữ đầu tiên của tựa đề 14 bộ tiểu thuyết Kim Dung thành câu thất ngôn nổi tiếng: “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc/Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên”. (Dịch nghĩa: Tuyết bay đầy trời dõi hươu trắng/Cười trang thần hiệp tựa uyên xanh).
Cuộc đời Kim Dung, quả thật đã gây một trận đại náo rồi im lặng biến mất như cánh chim bạt gió giữa trời xanh vậy!
THỤY BẤT NHI