Tại Đà Nẵng, nhiều đình làng vẫn còn lưu giữ những phong tục, tập quán, nghi lễ mang tính truyền thống trong dịp Tết cổ truyền, tạo nên nét đẹp văn hóa cộng đồng hiếm có.
Các vị cao niên và dân làng Lỗ Giáng họp bàn chuẩn bị cho ngày Tết tại đình làng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Những ngày này, tại đình làng Lỗ Giáng (quận Cẩm Lệ) - ngôi đình vừa được thành phố đầu tư bằng nguồn ngân sách 4,7 tỷ đồng để trùng tu một số hạng mục, các vị cao niên thường xuyên lui tới sửa soạn.
Ông Hồ Thiếp, Ban quản lý đình làng Lỗ Giáng cùng các vị cao niên trong làng sắp xếp lại những sắc phong có niên đại từ đời vua Minh Mạng đến vua Bảo Đại (sắc phong xưa nhất được ban vào năm 1823 từ đời vua Minh Mạng).
Đó là một trong những “tài sản” quý giá được dân làng gìn giữ cẩn thận qua nhiều thế hệ. “Hơn 5 thế kỷ qua, con cháu làng Lỗ Giáng hết lớp này đến lớp khác đã đóng góp biết bao mồ hôi công sức, chiêu dân lập ấp, khai hoang, vỡ hóa, ngăn mặn, đắp đê, đào sông, khơi ngòi dẫn thủy nhập điền, xây dựng đình chùa miếu mạo, trường học, nghĩa trang, lập hương ước, quỹ khuyến học, quỹ phước sương...
Tinh hoa tích tụ đời này qua đời khác tạo nên một làng quê có văn hóa, thuần phong mỹ tục. Do đó, năm Khải Định thứ 10 (1925) được triều đình Huế sắc phong một tấm biển vàng với 4 chữ lớn “Mỹ tục khả gia”, tạm dịch là “Phong tục tốt đáng khen””, ông Hồ Thiếp nói.
Nối tiếp truyền thống đó, những ngày cận Tết, người làng tập trung lau chùi, quét dọn đình, chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét tươm tất dâng lên tổ tiên. Ngoài ra, bà con tổ chức ngày thượng nêu, đến ngày mồng 7 hạ nêu. Trong 3 ngày đầu xuân, Ban quản lý đình làng tổ chức gặp mặt thanh niên, kể cho các cháu nghe về lịch sử lập làng của cha ông; hướng dẫn các cháu đến dân hương tại đình làng, nhà thờ tiền hiền.
“Vào ngày lễ, Tết, dân trong làng tới đình thắp hương tế lễ, cầu mong Thành Hoàng làng và trời đất phù hộ giúp mưa thuận gió hòa để và có nhiều phúc lành; tri ân những người khai hoang, lập làng. Tập tục ấy là nét văn hóa đẹp cần phải gìn giữ, phát huy”, ông Hồ Thanh Lang, lớp người kế cận của làng chia sẻ thêm.
Tương tự, tại đình làng Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) từ những ngày đầu tháng Chạp, các vị cao niên trong làng đã họp bàn việc tổ chức lễ khai xuân. Ông Huỳnh Văn Mười (Ban quản lý đình làng Tân Thái) cho biết, nhiều năm qua, những nghi lễ, phong tục truyền thống của làng cứ theo kiểu nối truyền dựa trên nội quy hương lệ, xuân kỳ thu tế, lễ hội cầu an tại đình làng mà các bậc tiền hiền, hậu hiền đặt ra.
Ban quản lý đình làng Lỗ Giáng cùng các vị cao niên trong làng sắp xếp lại những sắc phong. |
Từ ngày 25 tháng chạp, dân làng bắt đầu thực hiện nghi thức “thượng nêu” và bắt tay vào việc dọn dẹp, trang trí bàn thờ thật khang trang, long trọng. Đêm giao thừa, các vị cao niên túc trực ngoài đình cúng bái và thắp hương tại Lăng Ông sau đó mới về nhà. Sáng mồng một Tết, người dân tập trung về đình làng, dâng hương, chúc Tết, cùng uống trà, trò chuyện trong không khí đầm ấm, sum vầy. Các tộc họ đại diện đi chúc Tết những vị cao niên trong tộc.
“Những năm gần đây, khi đời sống đô thị hóa, dân nhập cư về làng cũng nhiều nên người dân đến đình làng không tự giác như trước. Do đó, trước Tết Ban quản lý in thiệp chúc Tết gửi bà con ở trong làng và cả dân làng đã đi nơi khác sinh sống để mời về dự lễ khai xuân. Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì phong tục tốt đẹp của cha ông. Đó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn”, ông Mười nói.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, giai đoạn 2015-2018, có 23 di tích (cấp quốc gia và thành phố) được đầu tư trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí 172, 25 tỷ đồng. Riêng năm qua, 41,65 tỷ đã được bố trí để tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi 12 di tích trên địa bàn thành phố. Hiện nay, sở đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai trùng tu 6 di tích đình làng trong năm 2019. Đây là nền tảng để các làng có điều kiện tổ chức những lễ hội, tập tục cổ truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ