Chấp thuận cấp phép trực tiếp cho nghệ sỹ hải ngoại về nước biểu diễn

.

Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng dự thảo nghị định mới để thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) và Nghị định 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP).

Các nghệ sỹ hải ngoại về nước biểu diễn sẽ được cấp phép trực tiếp. (Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Bin Leo)
Các nghệ sỹ hải ngoại về nước biểu diễn sẽ được cấp phép trực tiếp. (Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Bin Leo)

Theo đó, Chính phủ đồng ý với một số đề xuất xây dựng dự thảo nghị định mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như cấp phép trực tiếp cho các nghệ sỹ hải ngoại về nước biểu diễn thay vì thông qua các đơn vị tổ chức sự kiện như hiện nay.

Ngoài ra, dự thảo nghị định mới cũng sẽ bỏ quy định cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975. Thay vào đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ ngăn chặn những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, chống phá nhà nước, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, đi ngược lại lợi ích của quần chúng.

Cụ thể, dự thảo nghị định mới sẽ được xây dựng theo hướng xóa bỏ ranh giới phân biệt ca khúc sáng tác ở thời điểm trước hay sau năm 1975. Những bài hát có nội dung lành mạnh, đã phổ biến trong đời sống sẽ không cần xin cấp phép phổ biến.

Trước đó, vào tháng 3-2017, câu chuyện cấp phép ca khúc trở nên “nóng” trong du luận khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra quyết định dừng lưu hành năm ca khúc ra đời trước năm 1975: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh-Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ- Hồ Đình Phương) và “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An). Quyết định nói trên đã bị thu hồi.Sau đó, tháng 5/2017, dư luận tiếp tục “dậy sóng” khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn công bố phổ biến danh sách 300 ca khúc được cấp phép, trong đó có những ca khúc đi cùng năm tháng, được thể hiện rộng rãi trong suốt thời gian trước đó như “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” “Chào em cô gái Lam Hồng,”…

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc ngừng cấp phép ca khúc: "Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác."

“Hiện nay, việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 không còn phù hợp. Dự thảo nghị định mới sẽ xây dựng những quy định quản lý mới cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế: chỉ cấm lưu hành những bài hát có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Những cá nhân, tổ chức sử dụng, đăng tải những ca khúc như vậy sẽ bị xử phạt nghiêm, buộc phải gỡ bỏ trên các phương tiện thông tin,” ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết.

Bên cạnh đó, đề xuất người Việt Nam đi nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp với tư cách cá nhân sẽ không cần xin giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước cũng đã được chấp thuận. Theo đó, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ chỉ cấp phép cho những người tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế với tư cách đại diện cho nhan sắc Việt Nam.

“Chất lượng các tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đặt hàng cũng sẽ được thắt chặt bằng những quy định cụ thể trong dự thảo nghị định mới. Ngoài ra, dự thảo nghị định mới cũng sẽ được xây dựng theo hướng phân quyền nhiều hơn cho các địa phương trong việc cấp phép, quản lý các hoạt động nghệ thuật biểu diễn,” ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.

Trước khi trình Chính phủ, dự thảo nghị định mới sẽ được công bố, lấy ý kiến của nhân dân, giới văn nghệ sỹ và các bên liên quan.

Theo Vietnam+

;
;
.
.

Đọc nhiều

.
.
.