Nhiều năm qua, UBND quận Thanh Khê cùng bà con ngư dân vùng ven biển các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây tổ chức lễ hội cầu ngư long trọng. Địa phương cũng từng bước đưa lễ hội thành nét văn hóa đặc trưng và trong tương lai là sản phẩm du lịch độc đáo.
Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê được đầu tư quy mô nhằm phát huy giá trị nghi lễ truyền thống. |
Hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng, lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê diễn ra với các nghi lễ truyền thống và phần hội mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng biển. Theo các vị cao niên, lễ hội cầu ngư trước hết và bao giờ cũng phải có nghi thức lễ tế cá Ông (hay còn gọi là lễ nghinh Thần, nghinh Ông) mời “Ông” về chứng giám lòng thành của ngư dân.
Cùng với tấm lòng tôn kính thần linh, những người dân biển còn thành tâm khẩn cầu Ông và các vị thần bảo hộ cho sự hưng thịnh của cả làng cá. Sau lễ nghinh Ông, đại diện bà con ngư dân ở các làng chài tiến hành lễ rước Ông vào bàn thờ chính ở lễ đài trung tâm để thực hiện các nghi lễ cầu an, cầu ngư. Lễ cầu ngư còn đi đôi với hát bả trạo-hình thức tế âm linh trên biển, ca ngợi công đức của cá Ông; đồng thời cầu xin cá Ông phù hộ để ngư dân bình an giữa biển khơi, đánh bắt được nhiều tôm cá.
Bên cạnh nghi lễ là hoạt động hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi với các môn: kéo co, đẩy gậy, đá bóng (thể hiện tinh thần hiệp lực vượt qua thử thách và biểu lộ sức mạnh cơ bắp, sự khéo léo của người dân chài); thi đan lưới; thi làm gỏi cá, hội hát bài chòi...; qua đó góp phần gắn kết cộng đồng dân cư địa phương, tạo khí thế cho mùa ra khơi đánh bắt hải sản đầu tiên trong năm mới Lão ngư Lê Văn Nhứt (75 tuổi, phường Xuân Hà) tâm sự, ngày trước đi biển phương tiện còn thô sơ, trước sóng to, gió lớn biết bao nhiêu người bỏ mạng giữa khơi; do đó, lễ hội cầu ngư đặc biệt quan trọng với ngư dân, cầu mong Ông (cá Ông), các vị thần biển cả và các âm linh trên biển phù trợ một chuyến ra khơi an toàn, đánh bắt nhiều tôm cá. “Từ bao đời nay, ngư dân duy trì lễ hội cầu ngư, những năm gần đây, được chính quyền địa phương chung tay cùng làm thì quy mô lớn hơn, động viên tinh thần bà con ngư dân bám biển. Nhà tôi vẫn còn hai đứa con trai theo nghiệp biển nên tôi vui lắm, nhiều nhà con cái bỏ nghề hết rồi”, ông Nhứt chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, quận có chiều dài bờ biển hơn 4,2km, là địa phương có nền kinh tế biển lâu đời. UBND quận tạo mọi điều kiện để ngư dân trên địa bàn quận được vay vốn, cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi đánh bắt và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Song song đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn xem việc bảo tồn, phát huy lễ hội cầu ngư-tín ngưỡng tâm linh của ngư dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thời gian tới, quận tiếp tục nâng tầm lễ hội cầu ngư để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ người dân và du khách.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho rằng, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của lễ hội này; đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu... đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa. Đó là niềm vinh dự, tự hào của thành phố Đà Nẵng; đồng thời xác định việc bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội cầu ngư là nhiệm vụ chính trị lớn, cấp thiết theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Tôi nghĩ rằng, chính quyền địa phương và bà con ngư dân trên địa bàn thành phố nói chung và quận Thanh Khê nói riêng cần có trách nhiệm, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Sở Văn hóa-Thể thao triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 6144/KH-UBND ngày 18-7-2016 của UBND thành phố về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội cầu ngư thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, đặc biệt chú ý nhiệm vụ “bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng” để lễ hội cầu ngư trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo nhằm giới thiệu, truyền bá nét văn hóa biển đặc sắc và mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương và cộng đồng”, ông Hùng nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ