Công viên 29-3 (quận Thanh Khê) từ lâu là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa cộng đồng của cư dân thành phố. Nơi đây còn là biểu tượng về sức mạnh đoàn kết, nghị lực tuổi trẻ một thời của thành phố khi biến bãi rác khổng lồ thành công viên. Sau khi tiếp quản từ đầu năm 2018, quận Thanh Khê tiếp tục nâng tầm giá trị của Công viên 29-3, biến nơi này thành điểm nhấn văn hóa cộng đồng.
Đề án “Phát triển Công viên 29-3” nhận được nhiều ý kiến phản biện tích cực, hướng đến xây dựng thành điểm nhấn văn hóa cộng đồng ở Thanh Khê. |
Ông Nguyễn Văn Hà, 67 tuổi, người dân quận Thanh Khê, thường xuyên ra công viên đi bộ tập thể dục cũng như hít thở không khí trong lành. Ông Hà từng chứng kiến tuổi trẻ thành phố đào bãi rác khổng lồ từ sau ngày giải phóng thành phố để xây dựng thành Công viên 29-3 như bây giờ.
“Đó là một sự thay đổi thần kỳ, sức mạnh đoàn kết, quyết tâm và tinh thần của tuổi trẻ chúng tôi thời đấy. Người trẻ bây giờ chỉ nghe nói lại. Những ai từng chứng kiến núi rác thải khổng lồ ở đây năm xưa mới thấy hết giá trị, ý nghĩa của Công viên 29-3 bây giờ”, ông Hà nói.
Công viên 29-3 được xem là lá phổi xanh của thành phố với bầu không khí trong lành, mát mẻ với diện tích rộng hơn 20ha, được chia thành nhiều khu vực vui chơi, giải trí, phục vụ các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch. Sau nhiều năm thuộc quản lý của Công ty Công viên cây xanh, đến tháng 12-2017, UBND thành phố giao cho UBND quận Thanh Khê tiếp quản, quản lý, vận hành, khai thác.
Xây dựng và phát triển Công viên 29-3 nhằm bảo đảm các yêu cầu về không gian sinh thái, văn hóa cộng đồng, điểm tham quan du lịch, nơi hội tụ nhiều sự kiện văn hóa, nơi vui chơi, giải trí cho người dân… là nhiệm vụ không hề nhỏ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Thanh Khê. Đây cũng là trăn trở của không ít chuyên gia, người dân cũng như những người chứng kiến quá trình cải tạo, hình thành Công viên 29-3 như ông Hà.
Thời gian qua, công tác đầu tư, khai thác hoạt động của công viên chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Quy hoạch tổng thể tuy đã có nhưng nhiều hạng mục chưa được triển khai. Trang thiết bị vui chơi giải trí xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Cảnh quan toàn thể công viên còn chưa xứng tầm là địa điểm vui chơi công cộng đặc trưng của thành phố…
Trước những bức thiết đó, cuối tháng 2-2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê đã tổ chức hội nghị phản biện lấy ý kiến của 40 nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong cộng đồng để góp ý cho Đề án “Phát triển Công viên 29-3”. Hội nghị ghi nhận 11 ý kiến góp ý với các nội dung, như: di dời vườn thú ra khỏi công viên; thay thế mới toàn bộ trò chơi hiện có; xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng trong công viên, tách riêng nước thải sinh hoạt đổ vào hồ và nạo vét lòng hồ cũng như xây dựng mới bờ kè hồ có rào chắn bảo đảm an toàn; công tác bảo đảm tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, địa điểm giữ xe cho khách tham quan...
Với tâm huyết và trăn trở qua từng ý kiến của người tham dự, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải xây dựng, cải tạo Công viên 29-3. Việc xây dựng, cải tạo công viên phải bảo đảm các tiêu chí như trở thành điểm nhấn văn hóa. Công viên phải là không gian mở cho tất cả mọi người, bất kỳ ai cũng có thể vào chơi, hưởng thụ những giá trị của nó mang lại. Đồng thời, việc phát triển phải tính toán yếu tố bền vững, có tầm nhìn chiến lược và làm sao để “lấy công viên nuôi công viên”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Nguyễn Thị Thu Bích cho biết: xây dựng không gian sinh thái, cộng đồng mở cho Công viên 29-3 là nhiệm vụ cấp thiết, cần thiết. Khi xây dựng đề án phát triển Công viên 29-3, các cấp lãnh đạo quận Thanh Khê cũng trăn trở và xem xét mọi yếu tố, khả năng trong quá trình xây dựng nhằm gìn giữ những giá trị của công viên này. Trước hết, quận xin chủ trương từ UBND thành phố; sau đó sẽ tập hợp, tổng hợp các ý kiến xác đáng có giá trị để hoàn chỉnh đề án từ hội nghị phản biện vừa qua.
“Cho đến nay, Ban Thường vụ Quận ủy đã thống nhất, chỉ đạo UBND quận sớm kiến nghị thành phố cho phép chủ trương xây dựng, cải tạo Công viên 29-3. Sau khi có chủ trương, quận sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án trên tinh thần tổng hợp các ý kiến phản biện có giá trị để quá trình triển khai thực hiện được bảo đảm nhất”, bà Bích cho hay.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY