Khôi phục âm nhạc thiếu nhi

.

Trong thời gian qua, để “cứu vãn” nền âm nhạc thiếu nhi đang bị “tụt dốc”, các ngành liên quan tại Đà Nẵng như Sở Giáo dục-Đào tạo, Hội Âm nhạc, Cung Thiếu nhi... đã tổ chức các cuộc thi hát múa dành cho thiếu nhi hay đưa bài chòi, dân ca vào trường học... Tuy nhiên, cần phải làm nghiêm túc, đồng bộ và tích cực hơn nữa mới mong khôi phục lại phong trào ca hát của trẻ thơ như những năm của thế kỷ trước.

Một tiết mục biểu diễn tại hội thi Em yêu làn điệu quê hương - hội thi được đánh giá góp phần bồi đắp tính thẩm mỹ về âm nhạc truyền thống cho thiếu nhi.
Một tiết mục biểu diễn tại hội thi Em yêu làn điệu quê hương - hội thi được đánh giá góp phần bồi đắp tính thẩm mỹ về âm nhạc truyền thống cho thiếu nhi.

Theo nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố, thập niên 60, 90 của thế kỷ trước, hoạt động ca múa nhạc thiếu nhi phát triển rất phong phú và đa dạng; các cuộc thi Tiếng hát tuổi thơ, Tiếng hát Hoa phượng đỏ do các Đài phát thanh, truyền hình địa phương đã tạo nên một hiệu ứng tích cực, góp phần định hướng thẩm mỹ, giáo dục cho thiếu nhi.

Qua các cuộc thi, nhiều ca sĩ trưởng thành và thành danh, góp sức cho hoạt động phát triển âm nhạc trong cả nước. Bên cạnh đó, những sáng tác có lồng ghép tính giáo dục, các bài hát được các nhạc sĩ viết ca từ và nội dung đơn giản, dễ hiểu, mang tính giải trí cao, phù hợp lứa tuổi thiếu nhi, giúp các em dễ cảm, dễ hiểu, dễ thuộc.

Nhưng sau năm 2000 đến nay, lĩnh vực sáng tác âm nhạc thiếu nhi dần bị “tụt dốc”. Âm nhạc thiếu nhi nhường thị trường cho âm nhạc người lớn, thêm vào đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, làn sóng âm nhạc Hàn Quốc xâm chiếm thị trường, các kênh giải trí thiếu nhi nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam.

Trước thực trạng đó, rất nhiều người, đặc biệt là phụ huynh, thầy cô giáo và các nhạc sĩ lớn tuổi không khỏi có những băn khoăn, trăn trở…, nhất là những chương trình truyền hình tổ chức các game show thiếu nhi với sự đầu tư khá mạnh nhưng các bài hát dành cho lứa tuổi trẻ thơ không còn được vang lên, mà ngược lại các ca khúc của người lớn, không đúng lứa tuổi được áp đặt cho các em hát.

Việc này đã gây nên sự phản cảm đối với người xem khi nhà sản xuất chỉ nhắm đến mục đích phục vụ thị hiếu và lôi kéo khán giả, hút quảng cáo và đã để lại những hậu quả xấu trong việc định hướng thẩm mỹ cho trẻ thơ.

Trong thời gian qua, để “cứu vãn” thực trạng này, các ngành liên quan như Sở Giáo dục-Đào tạo, Hội Âm nhạc, Cung Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh... đã có những động thái tích cực đối với việc bồi đắp tình yêu âm nhạc, yêu làn điệu dân ca phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Ông Nguyễn Nhẫn, Giám đốc Cung Thiếu nhi thành phố cho biết, bên cạnh duy trì thường xuyên các lớp năng khiếu âm nhạc, Cung Thiếu nhi thành phố còn phối hợp tổ chức các cuộc thi hát múa dành cho thiếu nhi. Mới đây nhất là các chương trình, như: Mùa xuân và tuổi thơ, Đêm hòa nhạc Giai điệu mùa xuân 2019, Như hoa mùa xuân, Em yêu làn điệu quê hương... cho các bậc học trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, gần đây, các hoạt động ngày hội văn hóa dân gian do các trường tổ chức cũng bắt đầu chú trọng. Riêng huyện Hòa Vang đã thành lập các CLB dân ca tại hơn 40 trường học ở các cấp bậc.

Ông Lê Đình Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, huyện thường xuyên cử các cán bộ, nghệ nhân bồi dưỡng kỹ năng hô hát các làn điệu dân ca Khu V cho giáo viên và hướng dẫn hát các làn điệu dân ca cho các CLB; đồng thời, xây dựng kịch bản sân khấu, dàn dựng, tập luyện để các em có thể tham gia biểu diễn. “Chúng tôi đang làm đề án trình các cấp, ngành để đưa dân ca trở thành môn học bắt buộc của học sinh. Ở các nước, để bảo tồn nghệ thuật truyền thống, người ta đều làm cách đấy”, ông Hải chia sẻ.

Theo nhạc sĩ Trương Duy Huyến, đó là tín hiệu vui trong việc bồi đắp, giáo dục và định hướng thị hiếu âm nhạc, cũng như giữ gìn giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, những việc làm vừa qua còn quá ít, chưa thể vực dậy, khôi phục lại phong trào ca hát của trẻ thơ như những năm của thế kỷ trước.

Ông Huyến đề nghị cần phải làm nghiêm túc, đồng bộ và tích cực hơn nữa từ tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ; từ nguồn nhân lực dạy bộ môn âm nhạc trong trường học; từ ý thức của phụ huynh... đến các ngành cao hơn trong việc ra các văn bản chấn chỉnh các nhà đài sản xuất chương trình dành cho thiếu nhi phản tính giáo dục...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.