Lễ hội Quán Thế Âm 2019: Tôn vinh giá trị văn hóa

.

Diễn ra trong 3 ngày, từ 22 đến 24-3 (tức 17 đến 19-2 âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, quận Ngũ Hành Sơn), Lễ hội Quán Thế Âm 2019 thu hút hàng vạn người đến tham quan, chiêm bái.

Đông đảo đồng bào Phật giáo và người dân tham dự lễ hội Quán Thế Âm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ
Đông đảo đồng bào Phật giáo và người dân tham dự lễ hội Quán Thế Âm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ

Hàng vạn người chiêm bái lễ hội

Với người theo đạo Phật nói riêng và người Việt nói chung, ngày Đản sinh Đức Bồ Tát Quán Thế Âm 19-2 có ý nghĩa thiêng liêng nên khá đông Phật tử hành hương chiêm bái. Bà Lê Tôn Nữ Kim Hoa (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) biết đến Lễ hội Quán Thế Âm từ thời con gái bởi gia đình có truyền thống theo đạo Phật. Cứ theo thông lệ, đến ngày lễ hội, bà cùng gia đình về đây để cầu mong Bồ Tát Quán Thế Âm ban sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, tìm thấy sự an yên trong cuộc sống.

Không chỉ người dân địa phương mà khá đông các đoàn Phật tử từ các tỉnh lân cận tìm về chiêm bái. Bà Nguyễn Thị Tuyết (Quảng Nam) cho biết, đoàn của bà hơn 50 người tá túc tại chùa Quán Thế Âm trong 3 ngày lễ; tham gia các buổi thiền tọa và tham quan nhiều ngôi chùa khác trong danh thắng Ngũ Hành Sơn. “Ngày Đản sinh Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chùa nào trên cả nước cũng tổ chức nghi lễ. Tuy nhiên, chúng tôi hành hương về Ngũ Hành Sơn chiêm bái bởi, hầu hết trên năm ngọn Ngũ Hành Sơn đều có chùa, tạo nên không khí linh thiêng. Đồng thời, chúng tôi có thể tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Phật giáo”, bà Tuyết chia sẻ.

Hòa thượng Thích Trí Viên, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố nhìn nhận, mấy mươi năm qua, theo từng mùa lễ hội, khách hành hương về tham dự ngày càng đông hơn. Lễ hội cũng vì thế theo năm tháng tổ chức quy mô hơn, mở rộng các sinh hoạt, giao lưu văn hóa, tín ngưỡng không riêng gì địa phương trong nước mà còn nhiều quốc gia khác như: Ấn Độ, Nepal, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Myamar…, nhất là từ khi lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia.

“Chúng tôi hiểu rằng Lễ hội Quán Thế Âm không chỉ là một sinh hoạt văn hóa tâm linh mang màu sắc tôn giáo mà còn là thành tố của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Thông qua lễ hội, chúng tôi kêu gọi Phật tử cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa Phật giáo để lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh, trái tim của di sản Phật giáo”, Hòa thượng Thích Trí Viên nhấn mạnh.

Mùa lễ hội an toàn, văn minh

Lễ hội Quán Thế Âm 2019 năm nay, công tác xã hội hóa tiếp tục được duy trì, thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ, như: chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc, phần lễ, trang trí cảnh quan, một số hoạt động văn hóa, triển lãm, thể thao… Do đó, các hoạt động được đầu tư khá bài bản, chuyên nghiệp, nhận được sự đánh giá cao của khách tham quan.

Ngày 24-3 (19-2 âm lịch), lễ chính thức (lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) của Lễ hội Quán Thế Âm 2019 thu hút hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng người dân, du khách tham gia.

Về phía Ban trị sự, có sự tham gia của Hòa thượng Thích Như Thọ, thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố. Về phía lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tham dự.

Các tiểu ban chủ động phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả cao, nhất là việc sắp xếp bố trí và duy trì thường xuyên lực lượng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm bảo đảm. Các hàng quán ăn uống, giải khát tươm tất, giá cả niêm yết rõ ràng; các cửa hàng dịch vụ buôn bán quà lưu niệm bố trí gọn gàng.

Dọc tuyến đường Sư Vạn Hạnh và trong khuôn viên lễ hội, các thùng rác được đặt ngay ngắn, có phân loại sẵn; một nhóm thanh niên tình nguyện thường xuyên nhặt rác… nên cảnh quan, môi trường cho lễ hội luôn sạch sẽ.

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa, Phó Ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội năm nay được đánh giá cao về sự an toàn, văn minh; những vấn đề như nâng giá giữ xe, bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, các hoạt động mê tín dị đoan… tồn tại ở các mùa lễ hội trước đã được dẹp triệt để. “Người dân và du khách đến chiêm bái, tham gia lễ hội trong không khí vui tươi, tâm lý thỏa mái. Đó cũng là thành công lớn của lễ hội”, ông Hòa nói.

Giải mã thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn

Ngày 23-3, Sở Văn hóa-Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn”.

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử có góc nhìn mới về di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn thông qua tham luận: lịch sử hình thành phát triển, danh lam cổ tự, pháp tượng pháp khí, thư tịch cổ, bia ký Phật giáo và hệ thống bia ma nhai Ngũ Hành Sơn; giới thiệu nội dung thư tịch cổ “Ngũ Hành Sơn lục”; ngự chế thi của hoàng đế Minh Mạng về Ngũ Hành Sơn; nội dung các bia ký Phật giáo tại ngọn Thủy Sơn; thơ văn ma nhai tại các hang động Ngũ Hành Sơn; hệ thống hoành phi, đối liễn, kim bài tại các chùa trên ngọn Thủy Sơn.

Đặc biệt, văn bản ma nhai được các nhà nghiên cứu thống kê khá cụ thể với trên 90 văn bản, dưới các thể loại bia bài vị, bi ký, ngự bút, đề danh, đề từ, câu đối… So với các địa chỉ lưu dấu ma nhai nổi tiếng của đất nước tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ma nhai Ngũ Hành Sơn không chỉ vượt trội về mặt số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú thể loại, hội nhập nhiều thế hệ tác giả là những danh nhân, yếu nhân của 3 miền đất nước cũng như ngoại kiều…

Những phát hiện, nghiên cứu mới này góp phần nhận diện, đánh giá một cách hệ thống và khoa học về hệ thống di sản văn hóa tư liệu tại danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tiến đến việc đề nghị Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào “Danh mục ký ức quốc gia” và đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới.

NGỌC HÀ

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.