Danh ca Khánh Ly: Có nhiều lý do để yêu Đà Nẵng

.

Trước thềm liveshow “Tạ ơn” diễn ra ở Nhà hát Trưng Vương tối nay (26-10), danh ca Khánh Ly trải lòng với báo giới rằng, bà rất yêu Đà Nẵng. Mỗi lần về Việt Nam, bà đều muốn đến thành phố sông Hàn để tìm lại hình ảnh của mình thời thanh xuân cách đây nửa thế kỷ; và hơn hết, bà yêu Đà Nẵng vì cảm nhận người dân thành phố này rất hiền lành và tử tế.

Danh ca Khánh Ly: “Tôi đến Đà Nẵng để tìm lại hình ảnh của mình thời thanh xuân”. 					                                 Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Danh ca Khánh Ly: “Tôi đến Đà Nẵng để tìm lại hình ảnh của mình thời thanh xuân”. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

* Tại sao bà chọn Đà Nẵng để biểu diễn trong chuyến lưu diễn dài ngày, qua nhiều nước lần này?

- Đây là lần thứ tư tôi trở về Đà Nẵng nên tôi sợ không còn ai muốn gặp mình, nghe mình hát nữa. Năm ngoái, tôi đến Đà Nẵng với chương trình “Như một lời chia tay” cùng hoạt động của quỹ “Vòng tay nhân ái” mà tôi là người khởi xướng.

Năm nay, liveshow “Tạ ơn” của tôi diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương là sự tri ân cuộc đời. Song, chuyến lưu diễn này (từ Nhật Bản đến Việt Nam và sau đó ở Mỹ) không đơn thuần là chuyện ca hát, mà còn tiếp tục hoạt động của quỹ “Vòng tay nhân ái”, trong đó có việc thăm các em nhỏ mồ côi ở chùa Quang Châu (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) vào chiều 24-10.

Có nhiều lý do để yêu Đà Nẵng. Tôi đến Đà Nẵng để tìm lại hình ảnh của mình thời thanh xuân cách đây nửa thế kỷ. Nơi đây có ký ức về câu chuyện tình buồn và sâu đậm của tôi, để lại cho tôi những vết thương lòng.

Vì thế, tôi trở lại Đà Nẵng để tìm lại ký ức, cũng để an ủi mình trong quãng đời còn lại. Với tôi, Đà Nẵng không phải là điểm đến mà là một nơi để trở về. Tôi đã 75 tuổi. Thời gian quả thật không còn nhiều nên tôi cần làm những gì mình muốn khi còn có thể.  

Hơn nữa, người Đà Nẵng rất hiền lành, tử tế. Tôi vào chợ Hàn mua trái cây. Tôi hỏi giá và được trả lời rất nhẹ nhàng, không có chuyện “chặt chém”. Những người bán hàng chắc nhận ra tôi là người không xa lạ với thành phố này. Tôi cảm nhận cuộc sống ở Đà Nẵng dễ chịu nên con người cũng dễ chịu.

* Vậy trong tương lai, khán giả - nhiều thế hệ yêu tiếng hát Khánh Ly - có còn được thưởng thức liveshow của bà nữa không?

- Tôi nghĩ 75 tuổi mà còn được lên sân khấu hát thì đó là niềm hạnh phúc. Tôi thấy mình thật may mắn vì còn có thể đi nhiều nơi và được hát. Trước đây, bây giờ và khi còn có thể hát, tôi chỉ tự nhủ cố gắng để những người yêu mến mình, yêu mến tiếng hát Khánh Ly không cảm thấy thất vọng. Tôi hy vọng đây không phải là liveshow cuối cùng và rất mong có dịp trở lại Đà Nẵng.

* Qua bao nhiêu năm, âm nhạc Trịnh Công Sơn gắn liền với tên tuổi của Khánh Ly và tên của Khánh Ly gắn liền với nhạc Trịnh. Bà muốn gửi gắm thông điệp gì đến các ca sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ hiện nay?

- Có rất nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn, mỗi người một màu sắc, một cách thể hiện nhưng ai cũng hát hay cả. Không thể nói âm nhạc của người này chỉ dành riêng cho một người nào đó thể hiện, mà dành cho tất cả mọi người.

Với một ca khúc, hôm nay bạn có thể hát với tâm trạng vui, hôm sau hát với tâm trạng buồn. Với mỗi độ tuổi, bạn có thể cảm và hát Trịnh Công Sơn khác nhau. Thời trẻ, tôi không hiểu vì sao tôi lại yêu nhạc của Trịnh Công Sơn. Ông không lý giải với tôi về ý nghĩa của ca từ nên tôi phải tự tìm hiểu. Càng ngày tôi càng thấm thía những điều mà ông gửi gắm.

Nhạc Trịnh Công Sơn cho tôi có cảm giác ông viết cho mình, ông an ủi “đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng, tôi là ai mà yêu quá đời này”. Nhạc Trịnh Công Sơn giúp chúng ta vơi bớt phần nào nỗi buồn và biết chia sẻ với nhau hơn. Tôi luôn muốn những người trẻ tuổi, cùng đứng trên sân khấu với tôi hãy hát đi vì những bài của ông Trịnh Công Sơn hay lắm.

Tôi thường tự hỏi nếu một ngày nào đó, Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Anh Khoa và ngay cả tôi không còn nữa thì ai sẽ hát tiếp những bài gắn với kỷ niệm, ký ức của rất nhiều người, nếu các bạn trẻ bây giờ không hát những ca khúc đó.

Tôi đồng ý rằng đời sống phải có những cái mới như nhà cửa, đường sá; con người cũng cần thay đổi, phải tiến lên; nhưng có những điều không thể thay thế được, trong đó có âm nhạc, không chỉ âm nhạc Trịnh Công Sơn mà còn của nhiều nhạc sĩ khác. Làm thế nào để khuyến khích những người trẻ lưu giữ lại quá khứ bởi đó là một phần hành trang của tương lai...

Khán giả còn đến với tôi không phải vì tôi đẹp hơn, cũng không phải tôi hát hay hơn, mà vì khán giả yêu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thấy tôi thì như thấy ông Trịnh Công Sơn. Tôi mang ơn mọi người về điều đó”

                Danh ca Khánh Ly

TÚ PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.