Chuyện về những tấm ảnh

.

Tôi không phải là phóng viên ảnh. Những năm 80-90, lúc tôi làm phóng viên (PV) ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng rồi Báo Đà Nẵng, Tòa soạn luôn có một tổ ảnh gồm những phóng viên nam là những tay máy kỳ cựu chuyên đi chụp những sự kiện thời sự, ảnh báo chí phục vụ từng yêu cầu của các ban nội dung. Vậy nên PV viết chỉ chú tâm vào nội dung tin, bài, không phải lo khâu ảnh.

Nhiều lần tin, bài của tôi được đăng nhưng ảnh minh họa không có nội dung phù hợp. Mỗi lần tôi đi công tác, muốn có ảnh chụp minh họa thì phải năn nỉ PV ảnh đi cùng, quá bất tiện. Vậy là tôi quyết tâm học chụp ảnh và phải có máy ảnh riêng của mình. Nghĩ là làm, tôi dành dụm các khoản nhuận bút vốn còm cõi của mình và cuối cùng cũng mua được một chiếc máy ảnh second hand hiệu Canon của một anh PV ảnh của cơ quan.

Từ ngày có máy ảnh, công việc của tôi hiệu quả thấy rõ. Hễ có tin, bài thì có ảnh đi kèm, điều này làm tôi thấy hạnh phúc như thấy con mình sinh ra lớn lên từng ngày. Cái máy ảnh cũ ấy theo tôi khắp hang cùng ngõ hẻm, theo chân tôi đi tác nghiệp ở nơi núi cao, rừng sâu, nơi nông thôn hẻo lánh và đem về cho tòa soạn hàng trăm tấm ảnh báo chí, ảnh minh họa. Lúc ấy, PV nữ vừa viết, vừa chụp ảnh hơi hiếm, nên chiếc máy ảnh của tôi thực sự có giá trị bởi nó làm bài viết của tôi sinh động và có sức thuyết phục cao. Và tôi trở thành cộng tác viên của rất nhiều tờ báo, trong đó có Tuổi Trẻ - tờ báo mà tôi gắn bó lâu dài sau này.

Quảng Nam, Đà Nẵng là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, hễ mùa nắng thì hạn, mùa mưa thì bão lũ, nên PV hoạt động ở địa bàn này luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để tác nghiệp. Trong túi xách của tôi lúc nào cũng sẵn mấy cuộn phim dự phòng được gói kỹ trong mấy lớp nilon, thêm một mớ túi giấy bóng để bọc máy ảnh khi trời mưa và mấy viên pin sạc đầy phòng khi máy ảnh hết pin. Và sự chuẩn bị ấy không thừa.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, dấu ấn của cơn “đại hồng thủy” tháng 11-1999 với miền Trung vẫn nguyên vẹn trong tôi như mới hôm qua. Sau những ngày mưa như trút nước, rạng sáng 1-11 năm 1999, nước lũ từ các con sông Thu Bồn, Vu Gia, Sông Yên cuồn cuộn đổ về Đà Nẵng. Nước sông lên nhanh mà lại chảy xiết, những tàu thuyền neo hai bên bờ sông Hàn bị giật đứt neo trôi ra cửa Hàn mỗi lúc một nhiều. Trong cảnh hỗn loạn đó, tiếng người khóc, tiếng kêu cứu vang vọng cả một khúc sông từ cầu sông Hàn ra đến cửa biển. Bản tin sớm của Đài Truyền hình Đà Nẵng (bây giờ là VTV8) đọc đi đọc lại bản tin Ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn địa bàn của Chủ tịch UBND thành phố. Tôi nghe thông báo mà ruột gan như lửa đốt. Để hai con nhỏ ở nhà cho em gái trông nom, tôi lao lên cơ quan, báo tin với Trưởng ban và nhận nhiệm vụ lên đường.

Gọi điện cho Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt thành phố (BCHPCBL), tôi nghe giọng ông Thắng gấp gáp cho hay, “các xã Hòa Châu, Hòa Xuân và Hòa Quý đang nằm trong rốn lũ, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong đêm cần di dời gấp để cứu dân. Xã Hòa Phú bị lũ quét nặng. Hệ thống giao thông, liên lạc toàn thành phố bị tê liệt do nước ngập sâu”. Tôi mặc nguyên bộ áo mưa, máy ảnh bọc nilon cầm tay, lội ngược dòng lên Ga Đà Nẵng. Đoạn đường chỉ hơn 3km mà tôi lội gần 2 giờ mới đến. Chụp vội mấy tấm ảnh hành khách nằm ngồi la liệt ở sân ga vì tắc đường, tôi vội vã quay ra và gần như bơi về BCHPCBL trên đường Lý Tự Trọng vì lúc này nước ngập rất sâu. Đồng hồ ở cơ quan này chỉ đúng 12 giờ.

Không chờ được, tôi lội về Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố (BCHQS) và năn nỉ xin đi theo xe của bộ đội vì biết rằng tình hình này phải dựa vào quân đội và công an thì mới đi đến vùng lũ được. Mua vội mấy cái bánh mì nhét vào túi, chưa kịp ăn thì xe lội nước của BCHQS vừa về đến nơi và chuẩn bị đưa lính xuống vùng lũ Hòa Xuân, Hòa Châu. Tôi và Thanh Hằng (VOV) leo ngay lên thùng xe chờ xuất phát. Dọc đường từ Lê Duẩn lên Cầu Đỏ nước ngập ngổn ngang, chỉ cách chưa được 10km mà xe lội nước đi mất hơn 2 giờ mới đến. Xe vừa dừng lại, không kịp cảm ơn tài xế, tôi lao ngay ra chiếc ca-nô của Công an Hòa Vang đang chuẩn bị đi cứu người. Đang loay hoay vì ca-nô chết máy thì nghe anh Trần Thanh - Giám đốc Công an thành phố lúc bấy giờ gọi giật giọng: “ Có ca-nô đi vào vùng lũ, Kim Em có đi không?”.

Tôi mừng như vớ được vàng, vội vã lao ngay xuống chiếc ca-nô đang nổ máy, trên đó có lãnh đạo Công an thành phố và anh Thái Mỹ - đồng nghiệp ở Báo Công an Đà Nẵng. Ca-nô chạy về hướng trung tâm xã Hòa Châu, cảnh tượng tang thương bày ra trước mắt tôi. Trâu bò, heo gà, bàn ghế, giường chõng và nhiều mái nhà tranh có người bám trên đó đang trôi theo dòng nước xiết; tiếng người khóc, tiếng kêu cứu náo loạn. Tôi bấm vội những tấm ảnh vì trời đang sập tối, lại mưa to. Lúc quay về lại bến, trời mưa nặng hạt, nhìn đồng hồ đã gần 19 giờ, trong máy chỉ còn mấy tấm phim cuối, trong bụng lo vì không biết có kịp về làm ảnh cho số báo ngày mai.

Đang lo lắng vì chưa biết đi nhờ ai về, bỗng một chiếc ca-nô chở dân di dời cập bến. Trong số hàng chục người dân lếch thếch áo mưa, bồng bế nhau theo bộ đội lên bờ, tôi thoáng thấy một người phụ nữ tóc tai bơ phờ, mặt tái nhợt, vừa ôm hai đứa bé trong tay, miệng không ngớt kêu khóc: “Còn chồng tôi kẹt trong mái nhà, làm ơn cứu chồng tôi với!”. Tôi liền nhao ngay đến bấm máy, nhưng máy ảnh chỉ bấm được một tấm và ngưng hoạt động vì bị ngấm nước mưa suốt cả ngày. Không kịp an ủi người mẹ, tôi quày quả chạy theo đoàn công tác của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ vừa từ ca-nô lên bờ và xin ông cho đi nhờ.

Về đến trung tâm đã hơn 9 giờ tối, tiệm ảnh đã đóng máy nghỉ. Tôi năn nỉ mãi chị Vân - hiệu ảnh Trường Sơn - mới đồng ý làm giúp cuộn phim để kịp có ảnh cho số báo ngày mai. Mãi đến hơn 24 giờ mới xong bài và ảnh. Bụng đói vì suốt ngày không ăn gì, người lạnh run vì áo quần dầm trong nước cả ngày, tôi về nhà lúc ngày đã sang canh và người hâm hấp nóng vì cảm lạnh. Hôm sau, tấm ảnh ba mẹ con người đàn bà chạy lũ lên trang nhất Báo Đà Nẵng và Báo Tuổi Trẻ trong loạt ảnh và bài “Đà Nẵng trong cơn lũ dữ”. Vì không có PV nào làm ảnh và bài kịp do bị kẹt trong vùng lũ, nên mục điểm báo của Truyền hình Đà Nẵng sáng hôm đó chỉ có bài và ảnh của tôi trên Báo Đà Nẵng được zoom đi zoom lại nhiều lần.

Tấm ảnh ba mẹ con chạy lũ đó lại được chọn làm ảnh bìa trên Báo Tuổi Trẻ chủ nhật ngày hôm sau với lời hiệu triệu của Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ nhờ chi viện đồng bào vùng lũ miền Trung. Và một chuyến cứu trợ lịch sử với hơn 20 xe hàng trị giá hàng tỷ đồng của người Sài Gòn thông qua Báo Tuổi Trẻ đã lũ lượt đổ về vùng rốn lũ miền Trung ngay sau khi nước vừa rút.

KIM EM

;
;
.
.
.
.