Trao bằng xếp hạng di tích cấp thành phố Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ

.

ĐNO - Sáng 23-2, UBND quận Cẩm Lệ tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đến dự.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (bìa phải) trao bằng xếp hạng cấp thành phố Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Ảnh; NGỌC HÀ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (bìa phải) trao bằng xếp hạng cấp thành phố Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Ảnh: NGỌC HÀ

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam khẳng định, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ có những giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc Chăm; những di tích, di vật tìm được phản ánh đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Chămpa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X đến thế kỷ XII. Với những giá trị đó, tại Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 27-11-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã xếp hạng Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố.

Thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân phường Hòa Thọ Đông, UBND quận Cẩm Lệ, Sở Văn hóa và Thể thao chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ xứng tầm với vị thế của một di sản cấp thành phố; đồng thời cùng quản lý khai thác thật khoa học, hiệu quả kho tàng di sản, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, các đơn vị liên quan cần tham mưu UBND thành phố xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng giai đoạn 2 và bảo quản, tu bổ, phục hồi Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trình UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di sản trong thời gian tới. Đồng thời, kiện toàn Ban quản lý di tích; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị của di tích; kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích; tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích này...

Tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố và các đại biểu cùng tham quan Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cùng các địa biểu nghe giới thiệu về di tích. Ảnh: NGỌC HÀ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, trái sang) cùng các đại biểu nghe giới thiệu về di tích. Ảnh: NGỌC HÀ
“Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số
“Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số. Ảnh: NGỌC HÀ

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa. Trong quá khứ, đây là vùng đất được chuyển giao từ vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Huyền Trân.

Từ năm 2011 đến 2018, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội tiến hành 3 đợt khảo cổ. Qua 3 đợt khai quật, đoàn khảo cổ nhận định Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. 

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.