Đà Nẵng Super League - một sân chơi hiệu quả của bóng bàn Đà Nẵng

.

Trong các giải thể thao phong trào, tính hiệu quả và sự tác động rất tích cực từ giải Bóng bàn Đà Nẵng Super League là điều không thể phủ nhận. Bởi nếu các giải phong trào khác chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định thì giải Bóng bàn Đà Nẵng Super League được tổ chức vào những ngày Chủ nhật, suốt 3 tháng, bắt đầu từ tháng 6 hằng năm.

Từ giải Bóng bàn Đà Nẵng Super League, các tay vợt trẻ của Đà Nẵng có nhiều cơ hội được rèn giũa bản lĩnh, nâng cao trình độ qua các trận đấu với những đối thủ có trình độ cao. Ảnh: ANH VŨ
Từ giải Bóng bàn Đà Nẵng Super League, các tay vợt trẻ của Đà Nẵng có nhiều cơ hội được rèn giũa bản lĩnh, nâng cao trình độ qua các trận đấu với những đối thủ có trình độ cao. Ảnh: ANH VŨ

Một nét đặc biệt của giải Bóng bàn Đà Nẵng Super League là khi mọi tay vợt dù có khác biệt về trình độ, đẳng cấp lẫn độ tuổi vẫn có thể trở thành đối thủ của nhau và vẫn bảo đảm sự công bằng. Theo Trưởng Ban tổ chức giải Bóng bàn Đà Nẵng Super League 2020 Nguyễn Phê, Ban tổ chức rất nỗ lực để có những quy định phù hợp: “Từ những giải trước đây, chúng tôi đã có cơ sở để phân VĐV thành 7 hạng, mỗi hạng cách nhau 100 điểm. Khi những tay vợt có trình độ chênh lệch thi đấu với nhau, tay vợt có hạng cao phải chấp điểm tay vợt hạng thấp, với mức cao nhất là 8 điểm. Đồng thời, căn cứ kết quả từng trận đấu, các VĐV sẽ được cộng thêm vào điểm cá nhân sau khi giải kết thúc. Chẳng hạn, VĐV được cộng 10 điểm, 6 điểm hay 3 điểm nếu thắng trận đấu với lần lượt các tỷ số 3-0, 3-1, 3-2. Những VĐV thua trận cũng bị trừ số điểm tương ứng. Qua đó, các tay vợt sẽ được tính điểm để quyết định việc được thăng hạng hay xuống hạng ở mùa giải kế tiếp”.

Ở lần tổ chức đầu tiên vào năm 2012 với tên gọi giải Bóng bàn Premiership Đà Nẵng và có sự tham gia của những tay vợt đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, các đội được thi đấu theo thể thức sân nhà - sân khách. Tuy nhiên, qua thực tế, Ban tổ chức nhận thấy có nhiều trở ngại bởi không phải các đội đều có sân để tổ chức thi đấu. Bên cạnh đó, thể thức này không tạo được sự sôi động do khán giả quá phân tán. Vì thế, Ban tổ chức đã có sự điều chỉnh để toàn bộ giải đấu đều được tổ chức trên sân của Liên đoàn Bóng bàn Đà Nẵng.

Đánh giá về sự tác động của giải Bóng bàn Đà Nẵng Super League, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Đà Nẵng Lê Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Đây là một giải đấu rất đặc biệt với thời gian trải dài suốt 3 tháng và diễn ra trong ngày Chủ nhật; vì thế, tuần nào VĐV cũng có cơ hội được thi đấu. Bên cạnh đó, để tham gia giải, mỗi đội cần có phải có hơn 10 VĐV để bố trí đội hình và xây dựng chiến thuật thi đấu suốt 3 tháng. Chính điều này đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bóng bàn Đà Nẵng trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các VĐV của đội tuyển bóng bàn Đà Nẵng còn có cơ hội được cọ xát hằng tuần, rèn giũa bản lĩnh và tích lũy kinh nghiệm khi được thi đấu với những đối tượng rất đa dạng, đến từ nhiều địa phương trong cả nước”.

Hẳn nhiên, để tổ chức một giải đấu như giải Bóng bàn Đà Nẵng Super League sẽ là hết sức khó khăn cho các bộ môn, do điều kiện sân bãi cũng là một trở ngại. Song đó cũng là một kinh nghiệm để các bộ môn rút ra những kinh nghiệm cần thiết, góp phần quan trọng để thúc đẩy thể thao phong trào của thành phố phát triển mạnh hơn trong tương lai.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.