Từ kết quả SEA Games 32, thể thao Đà Nẵng sẽ nỗ lực gặt hái nhiều thành tích

.

Trực tiếp có mặt suốt hành trình SEA Games 32, ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng có những chia sẻ sắc sảo dưới góc độ chuyên môn về kỳ đại hội thành công ngoài mong đợi.

Ông Phạm Hoàng Tùng (ngoài cùng, bên phải) cùng chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng.  Ảnh: M.M
Ông Phạm Hoàng Tùng (ngoài cùng, bên phải) cùng chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng. Ảnh: M.M

* Trong thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam, ông ấn tượng về điều gì?

- Đoàn Thể thao Việt Nam đã khép lại SEA Games 32 với thành tích 136 huy chương vàng (HCV) 105 huy chương bạc (HCB) và 114 huy chương đồng (HCĐ), xếp thứ nhất toàn đoàn. Đây là lần đầu tiên thể thao Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn trong một kỳ SEA Games không phải là nước chủ nhà và là lần thứ 3 đứng đầu bảng tổng sắp SEA Games. Mỗi chiến công, mỗi thành tích cá nhân hay tập thể đều xứng đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, nếu phải kể ra những chiến tích lay động, thì trước hết phải nghiêng mình trước đội tuyển bóng đá nữ. Họ lần thứ 4 liên tiếp vô địch SEA Games trong tổng số 8 lần đăng quang. Ngay cả nữ Thái Lan, trong 5 lần vô địch thì chỉ 2 lần liên tiếp.

Gương mặt cá nhân phải kể đến Nguyễn Thị Oanh, VĐV điền kinh đầu tiên giành 4 HCV SEA Games, trong đó 2 HCV cách nhau 30 phút trong điều kiện rất khốc liệt. Bóng bàn, cầu mây đôi nữ giành HCV sau 26 và 24 năm. Golf, bóng rổ nữ, đấu kiếm, Dancesport Breaking lần đầu tiên có HCV.  Bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ thua nữ Thái Lan với tỷ số 1-3 là quá tuyệt vời. Nên nhớ, tuyển nữ bóng chuyền Thái Lan có 13 lần giành HCV liên tiếp, 10 trong số đó họ đã thắng tuyển nữ Việt Nam ở trận chung kết. Thậm chí trong 10 trận đấu đó, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ có đúng 2 set thắng trước đối thủ.

* Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng cũng là cái nôi đào tạo nhân tài thể thao cho đất nước. Ông cho biết kết quả của trung tâm tại SEA Games 32?

- Kỳ SEA Games năm nay, trung tâm có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Các VĐV đã được đầu tư, tập huấn nâng cao cả trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu giành 7 HCV, 6 HCB, 9 HCĐ. Tuy nhiên, thành tích gặt hái được tốt hơn, với 8 HCV, 7 HCB và 9 HCĐ, hơn SEA Games trước 1 HCV. Trong số này, phải kể đến sự bất ngờ khi đua thuyền truyền thống vì lần đầu tiên chủ nhà đưa vào thi đấu. Các VĐV của trung tâm phải nhanh chóng thích nghi, học hỏi và thật vui khi đạt đến 3 HCV. 2 tấm HCV điền kinh, 1 HCV bơi cũng danh giá vì nằm trong hệ thống Olympic. Tôi cũng rất ấn tượng khi VĐV trẻ lần đầu tham dự SEA Games là Lê Thị Tuyết đã xuất sắc giành HCB marathon. Nếu em có kinh nghiệm hơn thì đã cầm chắc HCV.

* Là người mới từ Thành phố Hồ Chí Minh về làm quản lý trung tâm, ông cảm nhận thể thao Đà Nẵng đang phát triển ở mức độ nào, và cần gì để hướng đến tầm cao mới?

- Việc thể thao Đà Nẵng đạt 8 HCV, 5 HCB và 5 HCĐ, vượt gấp đôi chỉ tiêu HCV đề ra trước SEA Games 32 là một kết quả vô cùng ấn tượng. Kết quả đó cũng nói lên thể thao thành phố đang phát triển rất tích cực. Cũng hiếm thành phố nào trong khu vực Đông Nam Á hội tụ đủ các điều kiện lý tưởng cho phát triển thể thao như Đà Nẵng. Vậy nên, thành phố chúng ta cần tu sửa, nâng cấp và xây dựng các thiết chế thể thao chất lượng hơn. Công tác tuyển chọn các tài năng thể thao phải được phủ rộng khắp, kèm theo chế độ đãi ngộ tốt hơn. Quan trọng nhất, cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc đào tạo VĐV đỉnh cao, thúc đẩy xã hội hóa kinh phí để đưa các VĐV giỏi đi nước ngoài tập huấn.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

MỘC MIÊN (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.